Quyển 1 - Chương 1: Trời sinh ta vốn kẻ ngông cuồng
Thuở vũ trụ còn hỗn độn, hồng hoang sơ khai, trong thiên hạ chỉ có một
vị vua, chính là Bàn Cổ đại đế đã mở ra trời đất, sáng tạo nên cả thế
giới.
Lúc bấy giờ trời và đất còn chưa cách nhau vời vợi, con
người sống trên mặt đất, thần linh ngụ đỉnh non tiên, thông qua thang
trời là có thể gặp được. Thần tộc, Nhân tộc và Yêu tộc cùng sống dưới
một vòm trời.
Bàn Cổ đại đế có ba thuộc hạ tình như anh em,
trong đó người có thần lực cao nhất là một nữ tử, thời gian đã quá lâu,
chẳng thể tra được tên tuổi nữa, chỉ biết sau này bà lập nên Hoa Tư
quốc[1], được đời sau tôn xưng là Hoa Tư Thị. Còn hai vị kia là nam
nhân, một là Thần Nông Thị, đóng ở Trung nguyên, giữ yên bốn cõi, một là Cao Tân Thị, đóng ở phía Đông, trấn giữ Thang cốc nơi mặt trời ló rạng
và Quy khư[2], chốn ngàn vạn dòng nước trên thế gian đổ về.
[1]
Theo sách Liệt Tử, phần Hoàng Đế: “Hoàng Đế ngủ ngày, mộng du đến nước
Hoa Tư, không biết nước này xa mấy nghìn vạn dặm, đại khái thuyền xe
không thể tới được.” Từ đây trở về sau, nếu chú thích nào có ghi (ND)
thì là của người dịch, còn lại là của tác giả.
[2] Theo sách
Liệt Tử, phần Thang Vấn: “Không biết về phía Đông Bột Hải mấy ức vạn
dặm, có một vụng nước thăm thẳm không đáy, tên gọi Quy khư. Nước từ tám
phương trời chín phương đất, nước từ dòng Thiên Hán (Ngân Hà) không
ngừng đổ về đây mà mực nước vẫn không tăng không giảm.
Sau khi
Bàn Cổ đại đế quy tiên, lửa chiến tranh bùng lên khắp thiên hạ. Hoa Tư
Thị chán ghét cảnh chinh chiến liên miên bèn bỏ đi lánh đời, sáng lập ra Hoa Tư quốc tươi đẹp hòa bình, nhưng bà được đời sau tưởng nhớ lại
chẳng bởi Hoa Tư, mà nhờ con trai Phục Hy và con gái Nữ Oa[3] của mình.
[3] Theo Xuân Thu thế phổ, “Con trai Hoa Tư tên gọi Phục Hy, con gái tên gọi Nữ Oa.”
Phục Hy – Nữ Oa cai trị đặt nặng cả ân uy, khiến anh hùng thiên hạ đều kính
phục, sau cùng chấm dứt can qua, được tôn xưng là Phục Hy đại đế và Nữ
Oa đại đế.
Cả một vùng đại hoang chồng chất tang thương lại được đón cảnh thái bình, khôi phục dần sức sống.
Mấy ngàn năm sau, Phục Hy đại đế qua đời, Nữ Oa đại đế đau xót khôn nguôi,
ẩn cư Hoa Tư quốc, từ đó chẳng một ai gặp bà nữa, còn sống hay đã chết
cũng không ai hay biết, tộc Phục Hy Nữ Oa dần dà suy tàn.
Trải
bấy thăng trầm, cùng với sự xuống dốc của tộc Phục Hy, hai tộc Thần Nông ở Trung Nguyên và Cao Tân ở Đông Nam đã trở thành hai đại bá chủ, tuy
ngoài mặt vẫn giữ đúng giao ước năm xưa cắt máu ăn thề trước mặt Phục Hy Nữ Oa đại đế, các bên không xâm phạm lẫn nhau, nhưng bên trong đã ngùn
ngụt dã tâm muốn thôn tính đối phương.
Phía Tây Bắc đại hoang có ngọn núi không danh tiếng, gọi là Hiên Viên sơn, dưới chân núi là nơi
cư trú của Hiên Viên tộc, một Thần tộc nhỏ yếu chẳng mấy ai biết tới.
Sau nghi thức cúng tế long trọng, đại trưởng lão của bộ tộc cực lực gạt
bỏ mọi dị nghị của tộc nhân, chọn vị anh hùng trẻ tuổi nhất trong tộc
làm thủ lĩnh, chính đại trưởng lão cũng chẳng thể ngờ thiếu niên đó sẽ
hoàn thành được sự nghiệp vĩ đại nhường nào.
Trải qua mấy ngàn
năm, vị thiếu niên thống lĩnh Hiên Viên tộc không tên tuổi kia đã vùn
vụt trưởng thành, tới khi Thần Nông và Cao Tân nhận thức được sự nguy
hiểm của y thì đã bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt, đành bất lực nhìn Hiên Viên
tộc nhảy vọt lên thành đại Thần tộc thứ ba, thế lực sánh ngang với Thần
Nông, Cao Tân, hai Thần tộc từ thời thượng cổ.
Thần Nông tộc
đứng đầu ba đại Thần tộc cũng chính là hậu duệ của Thần Nông Thị năm xưa vâng mệnh Bàn Cổ đóng tại Trung nguyên, thủ lĩnh được tôn là Viêm Đế,
lấy nhân trị nước; Cao Tân tộc, hậu duệ của Cao Tân Thị trấn giữ Đông
Nam thuở trước, thủ lĩnh được tôn là Tuấn Đế[4], lấy lễ trị nước; cuối
cùng là Hiên Viên tộc mới quật khởi, thống trị Tây Bắc, thủ lĩnh được
tôn là Hoàng Đế, lấy pháp trị nước.
[4] Trong Sơn Hải Kinh có ba đại Thần hệ, Viêm Đế hệ ở Trung nguyên, Tuấn Đế hệ ở phương Đông và Hoàng Đế hệ mới nổi sau này.
Cũng từ đó Thần Nông ở Trung nguyên, Cao Tân ở Đông Nam và Hiên Viên ở Tây Bắc chia ba thiên hạ, tạo thành thế chân vạc.
Thấy bốn gã sầm mặt lại, Vu vương nói tiếp: “Các ngươi đừng si tâm vọng
tưởng nữa, lần này Hỏa thần Chúc Dung đích thân tới tiêu diệt Thú vương, trong thiên hạ còn ai dám đối đầu với hắn chứ? Lẽ nào các ngươi thực sự muốn Thú vương của Cửu Di ta phải chết sao?”
Thần Nông quốc nằm ở miệt Trung nguyên phì nhiêu nhất đại hoang, cũng là quốc gia đông dân và dồi dào sản vật nhất.
Phía Tây Nam núi non trùng điệp, khe rãnh dọc ngang, đầy rẫy độc trùng
chướng khí, hung cầm ác thú hoành hành, đường sá hiểm trở, lại ngăn cách với bên ngoài, bị xem là chốn man di mọi rợ. Nơi này có bộ tộc Cửu Di
cư trú, phong tục tập quán vô cùng lạc hậu, khác một trời một vực với
những bộ tộc ngoài kia, bị Thần tộc liệt vào hạng tiện dân thấp kém,
trai sinh ra thì làm nô bộc, gái sinh ra thì là tỳ nữ.
Hơn trăm
năm trước, Cửu Di tộc không chịu nổi ách nô dịch tàn khốc của Nhân tộc
bèn liên kết hơn trăm sơn trại chống lại, nhờ có yêu thú hung mãnh yểm
trợ đã đánh cho mười mấy đại tướng Thần tộc đi dẹp loạn phải thất bại
quay về, sau cùng kinh động đến cả Viêm Đế. Đệ nhất cao thủ Thần tộc là
Chúc Dung bèn tình nguyện xin đi hàng phục con yêu thú nổi loạn.
Giữa biển mây, một hàng chừng mười tọa kỵ do các thần tướng điều khiển lướt băng băng.
Phóng mắt nhìn ra xa, Cửu Di sơn trải dài ngàn dặm trong màn mây mù vướng
vất, trùng trùng điệp điệp, chót vót cheo leo, từng ngọn từng ngọn xanh
um, thưa thưa nhặt nhặt, gần gần xa xa, nông sâu bồng bềnh giữa khói mây mờ mịt, gió đến thì hiện, gió hết lại khuất, hệt một bức tranh thủy
mặc.
Một thần tướng nhỏ thó mặc áo đen cười nói: “Chẳng ngờ dải
đất man rợ Cửu Di lại đẹp thế này, hèn chi đám nô tỳ Cửu Di đều xinh
đẹp, các nhà hào môn quyền quý Nhân tộc rất ưa chuộng. Xưa kia năm nào
cũng có nô tỳ mới tiến cống, vậy mà từ khi đồ súc sinh kia gây loạn, hơn trăm năm nay Cửu Di không cống nạp nô tỳ, nghe nói bây giờ một nô tỳ
Cửu Di thứ thiệt có thể đổi được một cây san hô lam dưới đáy biển Quy
khư đó.” San hô dưới đáy Quy khư đối với Nhân tộc chỉ là vật để khoe
giàu nhưng đối với Thần tộc lại là thành phần trị thương, y nói mà đôi
mắt lóe sáng, rõ ràng đã có tính toán riêng.
Nam tử mặc áo lam
bên cạnh nhắc nhở: “Đừng bị phong cảnh trước mắt mê hoặc, núi rừng Cửu
Di hung hiểm lắm, Thần tộc chúng ta chẳng sợ chim dữ thú hoang, nhưng
độc chướng có thể xâm nhập vào linh thể, không thể chủ quan được, thuộc
hạ của vương tử Du Võng là Đào Nhạc bị trúng chướng khí do súc sinh đó
giăng ra, đến giờ linh lực còn chưa hồi phục hẳn đấy thôi…”
Nam
tử dẫn đầu lạnh lùng cười khẩy, kẻ áo lam biết mình đã lỡ lời, vội im
như thóc. Vị thần tướng cười nhạt trông khá anh tuấn, có điều trong mắt
thấp thoáng vẻ tàn nhẫn khiến người ta chẳng dám nhìn lâu. Hắn giẫm trên lưng Tất Phương điểu[1], loài chim được xưng là “đại hoang ác cầm”,
mình khoác chiến bào đen tuyền, trước ngực còn thêu ngọn lửa ngũ sắc
thếp vàng rất lớn, thoạt nhìn dấu ấn đó người ta đã nhận ra hắn chính là cao thủ đệ nhất của Thần Nông quốc, Chúc Dung. Tuy Du Võng là vương tử
nhưng Chúc Dung thần lực cao cường, nắm giữ binh quyền, xưa nay chưa
từng coi Du Võng vào đâu cả.
[1] Loài quái điểu trong thần
thoại, mỗi khi xuất hiện thường kéo theo hỏa hoạn. Phần Tây Sơn kinh
trong Sơn Hải kinh viết: “Hình dáng giống hạc, mỏ trắng, mình đen vằn
đỏ, tên gọi Tất Phương. Tiếng kêu cũng như tên gọi, trông thấy ở đâu ắt
xảy ra hỏa hoạn ở đó.”
Thần tướng áo đen gầy đét tên gọi Hắc Vũ, rất giỏi lấy lòng, y biết được tâm tư Chúc Dung, liền cười nhạt nói
đón: “Đâu phải chướng khí độc vật lợi hại, là thuộc hạ của vương tử vô
dụng quá thôi! Hơn trăm năm không giết nổi một con súc sinh chưa thông
linh trí, lại hao tổn mất mấy viên đại tướng, lần này Chúc Dung tướng
quân đã thân chinh ra tay, con súc sinh đó đừng hòng trông thấy mặt trời ngày mai. Sáng mai trên điện Tử Kim, tướng quân sẽ quăng đầu con súc
sinh đó ra trước mặt tất cả đại thần, cho Du Võng mất mặt!”
Ánh
mắt Chúc Dung lộ vẻ đắc ý, nhưng vẫn lạnh lùng nạt: “Bớt nói nhảm! Ta
phụng mệnh Viêm Đế làm việc, các ngươi đều phải toàn lực ứng phó, chừng
nào giết được nó thì muốn gì ta thưởng cho cái đó, mấy mẩu san hô Quy
khư đáng gì?”
Các thần đều tươi cười hớn hở, cao giọng tạ ơn.
Nam tử áo lam lên tiếng lúc đầu tên Lam Điền, có tiếng hành sự cẩn
trọng, nói: “Cửu Di sơn núi cao rừng sâu, địa hình phức tạp, con súc
sinh kia thông thuộc địa hình lại giỏi ẩn núp, dẫu dùng linh thức của
Thần tộc cũng chẳng lần ra được, chả thế mà các thần tướng trước đây
truy sát suốt trăm năm vẫn không giết nổi, nếu nó cứ lẩn trốn quanh vùng rừng núi này không ra mặt, e rằng nhất thời chúng ta chẳng tìm thấy
đâu.”
Các vị thần tướng len lén liếc nhau, đều dồn ánh mắt về phía Hắc Vũ khiến y hoảng hốt, chỉ sợ bị Chúc Dung hỏi kế sách.
Nào ngờ Chúc Dung lại cười nhạt: “Ta sớm nghĩ ra cách xử lý nó rồi, muốn
đối phó với dã thú, đương nhiên phải đặt mồi giăng bẫy, chúng ta cứ việc canh bẫy đợi nó tự đến nộp mạng là xong. Các người đi bắt hết đàn ông
tráng niên tộc Cửu Di lại, hạn cho nó trước khi mặt trời xuống núi phải
xuất hiện, bằng không sau khi mặt trời lặn, cứ tàn một nén nhang là giết mười người, chừng nào nó ra mặt thì thôi.”
Lam Điền lộ rõ vẻ
kinh hoàng, các thần tướng khác cũng biến sắc, chỉ mình Hắc Vũ cười nịnh tâu: “Tướng quân anh minh! Con súc sinh này do đám tiện dân Cửu Di thả
ra thì hãy dùng chính đám tiện dân ở đó bắt về. Thuộc hạ nghe nói hôm
nay là tết Khiêu Hoa[2] ở Cửu Di, đám tiện dân đó không cử hành hôn lễ
nhưng nam nữ đều tụ cả về Khiêu Hoa cốc, giao phối với nhau như thú vật, giờ chúng ta cứ tới thẳng đó, đỡ phải bắt bớ.
[2] Một ngày tết
cổ truyền của dân tộc Miêu Trung Quốc, vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Vào ngày này, nam nữ thanh niên người Miêu thường ăn vận thật đẹp, thổi
khèn ca múa dưới gốc cây để chọn bạn trăm năm. Địa điểm tổ chức thường
là trên những sườn núi đã được lựa chọn từ trước, gọi là Khiêu Hoa cốc.
(ND)
Lam Điền lập bập lên tiếng: “Thần tộc không được lạm sát Nhân tộc, lỡ… lỡ Viêm Đế biết được thì hỏng bét…”
“Viêm Đế biết sao được? Ngươi định đi tố giác?” Chúc Dung lạnh lùng nhìn y.
Lam Điền lập tức quỳ xuống, “Thuộc hạ một lòng trung thành với tướng quân.”
Chúc Dung hừ mũi, hạ lệnh: “Chúng ta đi xem thử tết Khiêu Hoa của đám tiện dân đó.”
“Tuân lệnh!” Các thần đồng thanh hưởng ứng.
Sâu trong Cửu Di sơn.
Cây quá cao, rừng quá rậm nên dù mặt trời ngoài kia rạng rỡ tới đâu, trong
khe núi này cũng chỉ nhập nhoạng như lúc chiều tà. Vu vương[3] tộc Cửu
Di quỳ trên thảm lá mục, đầu hướng về phía núi, vẻ mặt cung kính.
[3] Vua phù thủy. (ND)
Lão dập đầu bái lạy mấy lần rồi cao giọng hô vang: “Xin vua của muông thú lắng nghe lời chúng con khẩn cầu!”
Gió rừng lồng lộng núi non trùng trùng, chẳng nghe tiếng đáp.
Vu vương cũng đã quen, xưa nay chưa ai tận mắt trông thấy Thú vương bao
giờ, chẳng ai biết ngài là hổ hay gấu, bọn họ chỉ đời đời tin tưởng vào
sự tồn tại của ngài mà thôi. Vu vương ủ rũ nói tiếp: “Thú vương, xin
ngài mau trốn đi! Viêm Đế đã phái Hỏa thần Chúc Dung dẫn thần tướng tới
giết ngài, Chúc Dung là đệ nhất cao thủ tộc Thần Nông, nghe nói hắn thao túng lửa trong thiên hạ, chỉ một đốm lửa có thể thiêu trụi cả tòa
thành, từ thần đến yêu chẳng ai dám mạo phạm, ngài cũng khó mà chống
nổi, xin hãy mau trốn đi thôi!”
Rào rào, rào rào.
Một đống dẻ dại đổ ập lên người Vu vương khiến lão tóe máu đầu.
“Chi chi, chi chi…” Mấy con khỉ treo mình chuyền qua chuyền lại giữa các
ngọn cây, vừa hung hăng nghiến răng nghiến lợi vừa tới tấp ném quả dại
vào Vu vương, rõ ràng muốn đuổi lão đi.
Vu vương chẳng những
không tránh né, mà còn lê gối tiến tới, ra sức dập đầu khóc lóc: “Tâu
Thú vương, ngài vốn ở trong núi sâu tự đến tự đi, không ràng không buộc, Cửu Di tộc chúng con là tiện dân, đáng ra nam phải làm nô, nữ phải là
tỳ. Trăm năm trước, tại chúng con si tâm vọng tưởng, kéo ngài vào mối
họa tày trời này, để đến giờ Thần tộc nổi giận, phái Hỏa thần Chúc Dung
tới tiêu diệt ngài. Chúc Dung thần lực vô biên, có thể khiến trời
nghiêng đất lệch, nghe đồn chín trăm năm trước có một con yêu long ở núi Phù Ngọc ngoài biển Đông dẫn theo hơn một ngàn tiểu yêu quái làm loạn,
Viêm Đế phái hơn trăm đại tướng Thần tộc đi cũng không hàng phục nổi,
Chúc Dung bấy giờ vừa mới trưởng thành liền xin xuất chinh, chỉ bày một
trận địa hỏa đã thiêu tất cả yêu quái thành tro bụi.”
Sợ Thú
vương nghe không hiểu, Vu vương đánh liều mạo phạm khuyên nhủ: “Ngài
sinh ra trong núi, lớn lên trong núi, sao hiểu được sự lợi hại của cao
thủ Thần tộc chính tông. Nếu ví ngài với loài hổ báo hung mãnh nhất trên núi thì kẻ lần này tới chính là thợ săn giỏi nhất trên đời, hổ báo hung mãnh chừng nào cũng không chống nổi thợ săn bản lĩnh cao cường đâu. Thú vương ơi, van cầu ngài rời khỏi Cửu Di đi, chúng con cam lòng làm nô
làm tỳ để người ta sai khiến…”
Lão kêu khóc cầu xin hết nước hết cái nhưng đám khỉ trên cây vẫn hi hi hô hô, trơ trơ bỡn cợt.
Vu vương dập đầu thêm mấy cái rồi loạng choạng ra khỏi rừng, bốn gã tráng
niên vội chạy tới đỡ lão: “Vu vương, Thú vương đi rồi ư?”
Vu vương đáp: “Ta đã nói rõ rằng chúng ta không cần ngài phù trợ nữa, xin ngài hãy đi thôi.”
Thấy bốn gã sầm mặt lại, Vu vương nói tiếp: “Các ngươi đừng si tâm vọng
tưởng nữa, lần này Hỏa thần Chúc Dung đích thân tới tiêu diệt Thú vương, trong thiên hạ còn ai dám đối đầu với hắn chứ? Lẽ nào các ngươi thực sự muốn Thú vương của Cửu Di ta phải chết sao?”
Bốn gã đồng thanh đáp: “Dù chúng ta có chết cũng không để Thần tộc giết hại Thú vương.”
Vu vương gật đầu, “Hôm qua ta đã phái Vu sư dẫn một trăm thanh niên cùng
một trăm thiếu nữ tới dâng cho đám quý tộc ngoài kia làm nô bộc rồi,
nghe nói Viêm Đế rất nhân hậu, chỉ cần chúng ta không làm loạn, nhất
định ngài sẽ khoan thứ tội nghiệt, bãi bỏ lệnh tiêu diệt Thú vương.” Lão gắng gượng lấy lại tinh thần, vỗ vai bốn gã tráng niên cười nói: “Hôm
nay là tết Khiêu Hoa, các ngươi đều là dũng sĩ Cửu Di, cô nương các bản
đều đang đợi các ngươi đó, mau tới Khiêu Hoa cốc tìm cô gái mình yêu,
sinh thêm mấy tiểu dũng sĩ đi!”
Bốn gã tráng niên tuy dũng mãnh
nhưng chưa từng bước chân ra khỏi núi, người tộc Cửu Di lại sẵn tính đơn thuần chất phác, nghe Vu vương nói xong đều gạt tâm sự ra khỏi đầu, kẻ
xô người đẩy, vui vẻ đi tới Khiêu Hoa cốc.
Tết Khiêu Hoa rơi vào mồng tám tháng Tư, chính là lúc xuân sắc ngập trời, hoa thơm khắp núi.
Trong Khiêu Hoa cốc, khắp núi khắp đèo phủ đầy hoa tươi rực rỡ, các cô gái
trang điểm lộng lẫy nấp dưới tàng cây hát sơn ca, tìm người yêu, đám
trai tráng hoặc túm năm tụm ba đứng trên mỏm núi hát đối với mấy cô ả
lanh mồm lanh miệng, hoặc một thân một mình đứng dưới bóng cây thổi
khèn, những đôi nam nữ đã phải lòng nhau thì tay nắm tay lẩn vào bụi hoa thủ thỉ chuyện trò.
Bóng chiều tà đổ xuống sơn cốc tươi đẹp,
gió xuân dịu dàng thoảng đưa hương hoa ngan ngát hòa cùng hương rượu
nồng nàn, cô gái xinh đẹp cùng gã trai cường tráng trên sườn núi cao
giọng hát khúc sơn ca say đắm, thổi điệu khèn rộn rã… Sơn cốc ngập tràn
niềm vui, tựa hồ đến chú chim nhỏ trên cành cũng đang nhảy nhót, chẳng
ai ngờ được chỉ lát nữa thôi, nơi đây sẽ biến thành một lò mổ tanh ngòm
mùi máu.
Đột nhiên lửa từ bốn phương tám hướng bùng lên, mọi
người đang vui vẻ bị bất ngờ, chỉ biết kinh hoàng cuống quýt tránh lửa,
dần dà cả đám bị dồn vào một chỗ, ngọn lửa vây thành một vòng tròn, ánh
lửa phụt lên hệt như một hàng rào đỏ rực, giam tất cả vào hỏa ngục.
Mấy dũng sĩ liều mình lao qua đám lửa nhưng ngọn lửa như một vật thể sống,
quấn lấy người họ thiêu đốt, khiến họ kêu gào thảm thiết, ngã vật xuống
đất, lăn lộn mãi không sao dập được lửa, cuối cùng bị thiêu đến chết.
Cảnh tượng trước mặt khiến mọi người kinh hồn bạt vía, ngơ ngác không hiểu rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.
Bấy giờ, Chúc Dung mới cưỡi tọa kỵ từ trời đáp xuống, khinh khỉnh nhìn đám người trong vòng lửa.
Hắn cao giọng nói vọng vào núi: “Súc sinh, hạn cho ngươi trước khi mặt trời lặn phải ra gặp ta, bằng không cứ cháy hết một nén nhang giết mười tên
tiện dân, tới khi nào Cửu Di diệt tộc thì thôi.” Giọng hắn lan đi âm âm
như sấm động khiến chim chóc giật mình, muông thú bỏ chạy, đám người
trong vòng lửa vật vã bưng tai ngồi xổm trên mặt đất, thân thể nhũn ra
bải hoải.
Một dũng sĩ Cửu Di gắng gượng bò dậy hét lớn: “Thú vương ngài đã đi rồi, ngươi đừng hòng đem bọn ta ra uy hiếp ngài!”
Chúc Dung cười nhạt: “Ta cứ giết bọn tiện dân làm loạn các ngươi đã, nếu nó
chạy đến chân trời ta sẽ theo đến chân trời lấy đầu nó.”
Bốn gã
dũng sĩ Cửu Di can đảm nhất cũng run lên vì kinh hãi, hai mắt đỏ ngầu
hết nhìn đám tộc nhân trong vòng lửa lại ngóng về phía dãy núi mênh
mông, chẳng hiểu nổi mình đang mong Thú vương xuất hiện hay mong ngài
đừng xuất hiện nữa.
Vầng dương từ từ ngả về Tây, mỗi lúc một
thêm nhỏ lại, giờ này hôm qua, trong bản vẫn nhà nhà đỏ lửa, nói cười
xôn xao, vậy mà hôm nay chỉ còn tiếng thở khò khè nặng nhọc. Dần dà
tiếng thở cũng nhỏ dần, mọi người đều nín thở, tựa hồ như vậy có thể
khiến mặt trời chậm lặn, giành thêm chút cơ hội sống sót cho người trong tộc.
Chờ cho tia nắng cuối cùng tan biến, Chúc Dung cười nhạt: “Quả là đồ súc sinh hèn nhát!” Hắn vẫy tay ra lệnh giết mười người.
Hắc Vũ bước lên trước, Chúc Dung cùng các thần tướng đều âm thầm đề phòng,
nếu súc sinh đúng là thần linh mà người Cửu Di cung phụng thì đây là cơ
hội cuối cùng để hắn cứu người.
Hắc Vũ từ từ vung dao lên. Thần
linh ngoài vòng lửa, con người trong vòng lửa đều nín thở chờ đợi, cả
sơn cốc bỗng chốc lặng như tờ.
Soạt!
Mười chiếc đầu lâu rào rào rớt theo ánh dao bổ xuống.
“Ngươi mà cũng là thần sao? Ác ma còn không hung tàn như ngươi!” Bị máu tươi
kích động, đám người quên bẵng nỗi sợ sệt trước thần linh, nhất loạt
thét lên, vừa khóc lóc vừa chửi rủa.
Chúc Dung thất vọng nhìn
núi non trùng điệp xung quanh, bắt đầu nới lỏng phòng bị, xem ra súc
sinh vẫn cứ là súc sinh, vô tình vô nghĩa, đời nào chịu liều chết cứu
người chứ.
Qua một tuần nhang nữa, Chúc Dung gật đầu với Hắc Vũ, Hắc Vũ lại bước tới vòng lửa, ánh đao nhoáng lên, thêm mười chiếc đầu
rào rào rơi xuống đất.
“Liều mạng với chúng đi!”
“Lạy ngài, ngài là thần linh tôn quý kia mà!”
Tiếng chửi rủa phẫn nộ của đàn ông, tiếng khóc than thảm thiết của đàn bà náo động cả núi rừng.
Lại thêm một tuần nhang nữa, Chúc Dung cũng chẳng buồn quan sát, chỉ chăm chăm tính toán xem đồ súc sinh kia trốn đi đâu.
Thấy Hắc Vũ lại bước đến gần vòng lửa, mấy gã trai tráng liền lao tới đẩy
đám phụ nữ ở ngoài rìa ra sau lưng mình, tự động dàn thành một vòng tròn chẵn mười người, nét mặt điềm nhiên nhưng ánh mắt ngùn ngụt căm hờn,
trừng trừng nhìn Hắc Vũ đầy vẻ quật cường.
Hắc Vũ thầm rúng
động, vội nghiến răng vung dao toan chém xuống, bỗng ầm một tiếng, y đột ngột biến mất tăm, chỉ để lại trên mặt đất một miệng hang đen ngòm sâu
hoắm.
Lam Điền cùng mấy thần tướng tiến lại xem xét, thấy hang
động đó vừa hẹp vừa sâu, ánh lửa khó mà rọi thấu, mấy con tê tê bên
trong ló ra ngó nghiêng rồi lại rụt đầu vào.
“Hắc Vũ?”
“Chết… chết rồi!” Một giọng lơ lớ vang lên tựa như không quen nói chuyện, chỉ
phát ra hai tiếng cụt ngủn cũng ngọng nghịu rất khó nghe. Có điều đám
người trong vòng lửa chợt ào lên hoan hô vang dậy: “Là Thú vương!” “Thú
vương ngài đến rồi!”
Chúc Dung nổi giận tung ngay ra một chưởng, quẳng lửa đỏ rực rít lên bay thẳng vào hang.
“Á!” Bên trong vang lên tiếng gào thảm thiết, nghe rất quen.
Nhờ ánh lửa, Lam Điền nhác thấy hình như có người nằm úp sấp trong hang,
liền duỗi cây roi thần Như Ý ra vô hạn, kéo người ấy lên. Là một cái xác đã bị lửa của Chúc Dung đốt cháy đen.
“Là, là… Hắc Vũ.”
Các thần tướng len lén nhìn nhau, bấy giờ Chúc Dung mới nhận ra mình vừa
trúng quỷ kế của súc sinh, giết nhầm Hắc Vũ, còn con súc sinh bên dưới
hẳn đã chuồn mất từ lâu. Chúc Dung nổi cơn thịnh nộ, toan giết sạch cả
đám tiện dân còn lại trong vòng lửa, đột nhiên một cô gái hét lên: “Ngài nói chỉ cần Thú vương xuất hiện sẽ tha cho chúng tôi, giờ Thú vương đã
xuất hiện rồi đấy thôi!”
Tuy Chúc Dung tính tình nóng nảy, tàn
nhẫn hiếu sát nhưng xưa nay luôn cao ngạo, chưa từng nuốt lời. Không tìm được nơi trút giận, hắn đành căm uất ngửa mặt nhìn trời thét vang: “Súc sinh, nhất định ta phải tự tay cắt đầu moi tim gan ngươi ra mới hả dạ!” Dứt lời hắn điên cuồng biến chưởng, tạt lửa vào hang, rầm một tiếng, cả hang động sụp xuống.
Lam Điền cúi mặt nhìn xuống đất, thầm phân tích tình cảnh vừa rồi. E rằng khi họ vừa tới Cửu Di, súc sinh kia đã ở trong tối âm thầm quan sát, đợi tới lúc hai mươi người Cửu Di bị giết,
tiện dân vừa khóc lóc vừa chửi, ồn ào nhốn nháo, bọn họ ngỡ rằng kế sách thất bại, bắt đầu lơi lỏng phòng bị, nó liền chớp thời cơ sai đám tê tê đào thông hang động. Hắc Vũ rớt xuống hang, lâm vào thế địch trong tối
ta ngoài sáng lại không dám la lên sợ bị ám toán, súc sinh nhân đó bèn
cố ý cất tiếng chọc giận Chúc Dung, mượn đao giết người. Nếu thần lực
của Chúc Dung yếu hơn một chút có lẽ Hắc Vũ còn kịp giải thích, tiếc
rằng thần lực của hắn quá mạnh, chỉ chớp mắt đã đoạt lấy mạng Hắc Vũ.
Con súc sinh này quả nhiên nham hiểm độc ác, nếu hôm nay để nó trốn mất thì ngày sau đừng hòng dùng con tin mà uy hiếp nữa, một dải Cửu Di núi non
trùng điệp chính là nhà của nó, dù thần lực bọn họ cao cường đến đâu
cũng chỉ như mò kim đáy bể mà thôi.
Các vị thần tướng đều mặt
mày ủ ê, sợ Chúc Dung trách mắng, nhưng hắn chỉ nhắm mắt giây lát rồi
trỏ về phía Tây Nam ra lệnh: “Súc sinh chạy về bên đó, chúng ta mau đuổi theo! Lúc lẩn vào động, thân mình nó đã dính phải hỏa linh, không chạy
khỏi lòng bàn tay ta được đâu!”
Đám thần tướng nghe nói lập tức
phấn chấn tinh thần, tu vi của súc sinh so với Chúc Dung cách nhau trời
vực, lợi thế duy nhất chỉ là thông thuộc địa hình, giỏi ẩn núp, giờ đây
chẳng thể lẩn trốn được nữa cũng có nghĩa là đã mất đi mọi sự bảo vệ
rồi.
Chúc Dung lệnh cho chúng thần tướng: “Các người cứ vờ như
không biết, truy đuổi bốn phía để nó trốn tiếp. Ta sẽ tới trước đón
lõng, để xem nó rốt cuộc là giống gì, bất kể là yêu hay ma cũng phải cho nó nếm mùi bị lửa giày vò từng chút một, đợi khi nào nó kêu khóc xin
tha thì cắt luôn thủ cấp.” Chúc Dung nắm giữa binh quyền, đến vương tử
cũng phải nhường nhịn ba phần, vậy mà hôm nay lại bị một con dã thú đùa
giỡn, không đích thân giết nó, hắn làm sao hả giận được.
“Tuân lệnh!” Chúng thần tướng đồng thanh hưởng ứng.
Chúc Dung thu lại khí tức, cưỡi Tất Phương điểu lẳng lặng bay lên trước chặn đầu súc sinh.
Sau khi đáp xuống, Chúc Dung bắt đầu đưa mắt quan sát địa thế. Hai bên là
vách đá dựng đứng chót vót tận mây xanh, nếu không nhờ tọa kỵ thì Thần
tộc cũng khó vượt qua nổi, trước sau chỉ có hai con đường mòn đã tiêu
điều, chẳng còn lối mà đi, đám dây leo chằng chịt sợi dài sợi ngắn trên
vách núi trông như một tấm mành châu xanh lục buông rủ so le.
Chúc Dung chăm chú nhìn đám dây leo cười nhạt, đoạn múa tít song chưởng, khẽ bật ngón tay, vô số điểm hỏa tĩnh bắn ra như đom đóm, bay lòng vòng
giữa đám dây leo rồi tan dần vào đó.
Bố trí xong xuôi, hắn liền lẩn vào rừng rậm, lặng lẽ đợi con súc sinh tới nộp mạng.
Súc sinh kia hành động rất nhanh, chưa hết một tuần trà đã nghe thấy âm
thanh khe khẽ truyền tới. Chúc Dung chăm chú nhìn kỹ, chỉ thấy một con
vật vóc dáng cao ráo, tựa như vượn mà không phải vượn, toàn thân phủ một lớp lông dài, từ trong rừng chạy đến.
Chúc Dung định đợi nó đến gần thêm chút nữa mới bất ngờ ra tay, nhưng con súc sinh kia chợt khựng lại, thận trọng nhìn về phía hắn đang náu mình. Chúc Dung vốn có thần
lực cao cường, một khi thu lại khí tức, dù là cao thủ Thần tộc cũng khó
mà phát hiện được nhưng dường như con súc sinh này chỉ hít hít mấy cái
đã đánh hơi thấy hiểm nguy.
Thấy súc sinh phát hiện ra mình, Chúc Dung chẳng buồn ẩn nấp nữa, cứ thế bước ra ngoài.
Vừa trông thấy Chúc Dung, súc sinh liền nghiến răng trợn mắt gầm lên một
tiếng rồi nhe nhanh múa vuốt xông đến, sức mạnh vô cùng, uy thế khủng
khiếp đến hổ báo cũng phải đờ ra vì sợ, có điều, lần này kẻ đụng độ với
nó lại là Hỏa thần Chúc Dung. Hắn ung dung bật nhẹ ngón giữa, bắn ra mấy cuộn lửa, súc sinh kia chẳng dè cũng có linh lực, liền biến ra dăm
chiếc lá cản đám lửa lại.
Nhân lúc ngọn lửa đang bị ngăn trở,
súc sinh bèn nhảy phốc tới trước, túm lấy một sợi dây leo đu mình lên,
rồi thoáng cái lại túm được một sợi khác cao hơn, chỉ cần đu thêm mấy
lượt nữa nó sẽ băng qua dãy núi chạy mất, trong khi Chúc Dung vẫn phải
gọi tọa kỵ, mà nơi này gai góc dây nhợ chằng chịt, e rằng Tất Phương
điểu khổng lồ đến đập cánh cũng khó.
“À… uồm… uồm…” Súc sinh đứng trên cao nhe răng trợn mắt với Chúc Dung, chẳng hiểu đang làm mặt quỷ hay đang giễu cợt.
Chúc Dung cười nhạt mắng: “Súc sinh rốt cuộc vẫn là súc sinh!” Vừa dứt lời,
mấy đốm lửa chợt bay ra từ đám dây leo, biến thành rằn lửa quấn chặt lấy súc sinh, bén vào bộ lông dài thượt trên mình nó.
Đám dây leo
buông rủ trên vách núi nhất loạt biến thành dây lửa cháy phừng phừng,
khiến súc sinh chẳng dám nắm lấy, đành tuột xuống đất, lao vụt đi như
gió, nhanh hơn cả báo săn, có lẽ đến thần cũng khó mà đuổi kịp. Nhưng
trong rừng tối tăm, ánh lửa trên mình nó lại sáng rực chói mắt như mặt
trời, còn trốn vào đâu được?
Chúc Dung cười ha hả thong dong đuổi theo sau: “Ngươi dùng kế bỡn cợt ta thì ta cũng cho ngươi nếm mùi bị bỡn cợt.”
Súc sinh vừa điên cuồng tháo chạy vừa biến ra vô số phiến lá, toan dùng
linh lực dập lửa nhưng Chúc Dung được tôn là Hỏa thần, lửa của hắn nào
có dễ dập?
Da thịt bị thiêu đốt, súc sinh đau đến nỗi cào lông
xé bờm, ngửa đầu gào rú, tiếng kêu gào cứ âm âm lan đi giữa rừng sâu núi thẳm, muôn loài đều nghe thấy. Lập tức mấy con sài lang linh cẩu trong
rừng xông ra định chặn Chúc Dung lại, nhưng chưa chạm được đến hắn đã bị thiêu cháy đen thui.
Giờ đây Chúc Dung mới hiểu danh xưng Thú
vương chẳng phải gọi suông, con súc sinh này quả có thể sai khiến muông
thú, mỗi cánh chim con thú trong rừng đều là thám tử của nó, hèn chi nó
ẩn nấp giỏi đến thế.
Khắp người súc sinh phừng phừng lửa đỏ,
không trốn vào đâu được, thêm vào đó, tốc độ chạy càng lúc càng chậm lại vì đau đớn, dần dà nó bị Chúc Dung bắt kịp. Hắn tung pháp khí Hóa Linh
Hỏa Võng[4] của mình ra chụp xuống súc sinh, đắc ý thúc động liệt hỏa
khiến nó rú lên thảm thiết, nhưng súc sinh dã tính khó thuần, mặc cơn
đau thiêu xương đốt thịt vẫn cố vùng vẫy thò vuốt ra ngoài toan tấn công Chúc Dung. Xưa nay chưa từng có thần thánh yêu ma nào bị chụp trong Hóa Linh Hỏa Võng mà còn dám phản kháng nên Chúc Dung có phần sơ ý, liền bị móng vuốt của nó cào phải, để lại năm vệt máu chạy dài trên cánh tay.
Hắn nổi giận lật tay chặt đứt cánh tay súc sinh, rồi vung chân đá vào
chân nó, mấy đốm lửa trắng từ ngón chân hắn tức thời lặn vào da thịt con súc sinh, tuy nhìn bề ngoài chẳng thấy thương tích, nhưng ngọn lửa đã
lặn vào trong, từ từ thiêu cháy gân chân.
[4] Lưới lửa Hỏa Linh. (ND)
Chúc Dung hung tợn gằn giọng: “Ta sẽ từ từ thiêu cháy hết gân tay gân chân,
rồi thiêu đến đầu lâu ngươi, để ngươi hóa thành tro bụi cũng phải ghi
nhớ sự lợi hại của Chúc Dung ta.”
Súc sinh trừng mắt nhìn Chúc Dung, chẳng hề lộ vẻ sợ sệt.
Thiêu cháy hết gần một bên chân, Chúc Dung lại đá vào cổ tay súc sinh, đúng
lúc đó, súc sinh đột nhiên vận toàn lực, lấy đầu làm vũ khí húc vào hạ
bộ hắn.
Khắp người Chúc Dung đều là lửa, chỉ riêng chỗ đó còn
mang sứ mệnh quan trọng khác nên không thể luyện cho bốc lửa lên được,
đành nghiêng mình né vội, súc sinh lập tức chớp thời cơ lộn nhào trên
không vùng khỏi lưới lửa, tiếc rằng nó đã kiệt sức tàn hơi, vừa tung
mình vọt đi chưa được bao xa đã rơi bịch xuống bụi cỏ gần đó.
Chúc Dung vội đuổi theo sát gót, “Để xem ngươi chạy đường nào…” đang nói dở
chừng, súc sinh đã kéo theo cả bụi cỏ rơi tọt xuống hố, đợi khi Chúc
Dung chạy tới nơi thì chẳng thấy tăm tích nó đâu nữa.
Đây là một cái bẫy gấu của thợ săn, bên trong chỉ có một con hươu nhỏ sa bẫy, mấy
ngày nay thôn bản bận chuẩn bị cống nô lệ nên thợ săn chưa rảnh tới thu
thập chiến lợi phẩm. Có điều mùi máu hươu đã dẫn dụ bầy chó sói, chúng
không dám từ trên xông xuống, cũng chẳng dám lại gần bẫy, bèn đào hố từ
bên rìa vào ăn vụng. Con súc sinh kia đã lợi dụng ngay cái hố mà sói và
người vô tình cùng đào để trốn thoát.
“Xem ngươi làm sao thoát
khỏi tay ta!” Chúc Dung dùng thần thức truy tìm hoài không thấy, bấy giờ mới thực sự hiểu tại sao xác con hươu trong bẫy lại bị xé thành mấy
mảnh, thì ra con súc sinh giảo hoạt khá am hiểu chuyện đấu trí đấu dũng
giữa thợ săn và dã thú, nó đoán Chúc Dung có thể lần tới tận đây mai
phục đón lõng, hẳn trên mình nó phải có thứ gì đó dẫn dụ, nên đã xé xác
con hươu, vừa chạy vừa bôi máu lên mình để giấu mùi, giống như những thợ săn sày dạn kinh nghiệm thường vẩy nước tiểu động vật vào mình để làm
nhạt mùi người.
Hỏa linh của Chúc Dung luyện ngàn năm mới thành, gió thổi không tan, nước rửa không hết, máu hươu càng không che giấu
được, nhưng trời sinh vạn vật tương sinh tương khắc, kim, mộc, thủy,
hỏa, thổ, ngũ hành vừa tương sinh và tương khắc. Súc sinh máu vàng nhuốm máu tươi vừa khéo lại khắc chế được hỏa linh của Chúc Dung. Chẳng biết
đồ súc sinh ấy hiểu được thuyết ngũ hành tương khắc hay là chó ngáp phải ruồi, dù sao Chúc Dung cũng đã để mất dấu nó.
Chúc Dung nổi giận vung tay quạt ra một chưởng, lửa hồng lập tức bùng lên thiêu rụi tất cả cây cỏ xung quanh.
Lam Điền dẫn theo chúng thần đuổi tới, nghe tiếng Chúc Dung điên cuồng chửi rủa đòi phanh thây súc sinh thành trăm mảnh liền biết rằng hắn đã thua, chẳng ai dám nhiều lời.
Đợi Chúc Dung bớt giận, Lam Điền hỏi rõ đầu đuôi rồi nói: “Súc sinh đã bị thương một tay, lại bị đốt cháy một
bên gân chân, chẳng chạy nhanh được nữa, chúng ta cứ tìm kỹ nhất định sẽ bắt được thôi.”
Chúc Dung lập tức hạ lệnh phải tìm kỹ từng tấc đất, không được bỏ qua bất kỳ thứ gì khác thường.
Đúng như Lam Điền phân tích, súc sinh đi lại khó khăn, trong lúc chạy trốn,
lo được chỗ này thì bỏ mất chỗ khác, không khỏi để lại dấu vết, tuy có
địa hình phức tạp yểm trợ nhưng đám thần tiên đuổi theo đều là thần
tướng linh lực cao cường chứ chẳng phải tiểu thần tiểu yêu, dẫu dùng
cách nào cũng không cắt đuôi hoàn toàn được.
Chạy trốn không
ngừng nghỉ suốt bảy ngày, súc sinh cũng đã sức cùng lực kiệt. Không có
lúc nào nghỉ ngơi nên vết thương trên người nó mỗi lúc một thêm trầm
trọng, chân trái bị thiêu đứt gân càng lúc càng đau buốt, hễ nhúc nhích
là đau thấu xương như lửa đốt bên trong.
Súc sinh ngửa mặt nhìn
vách đá sừng sững ngàn trượng trước mặt, băng qua ngọn núi này là ra
khỏi Cửu Di. Rất nhiều năm trước nó đã từng qua bên kia núi, có lẽ giờ
đây để thoát được đám thần tướng đang lằng nhằng đuổi theo sau, nó lại
phải làm vậy.
Súc sinh hít vào một hơi, nó bấu vào một mẩu đá gồ ra trên vách núi nhưng lập tức run rẩy tuột tay rớt xuống, may nhờ đám
cành cây đâm ngang chĩa dọc cản bớt mới hãm được đà rơi. Nhìn xuống dưới thấy mấy tảng đá rơi xuống đất vỡ nát, súc sinh thầm hú vía, nếu nó rớt xuống ắt cũng cùng chung kết cục.
Chẳng rõ vì bị thương hay mệt mỏi, nó bỗng thấy choáng váng, uất ức hộc ra một búng máu rồi lại liêu xiêu trèo tiếp.
Dựa vào một chân một tay, trèo lên tới đỉnh nó đã mệt nhoài không ngóc nổi
đầu dậy nữa, cả người rời rã nằm vật bên sườn núi thở hổn hển, chỉ muốn
lăn ra ngủ.
Trong rừng vẳng lên tiếng cú rúc sói tru báo hiệu có người ngoài xâm nhập, hẳn bọn Chúc Dung lại đuổi tới rồi.
Súc sinh gắng gượng ngẩng đầu nhìn sang vách núi đối diện, nếu tay chẳng bị thương, gân chân không bị đốt, nó thừa sức nhảy qua khe núi này, nhưng
giờ đây khắp mình thương tích, đến nhích thêm một bước nó cũng chẳng còn đủ sức.
Bấy giờ, rốt cuộc nó cũng hiểu ra: mình không trốn nổi nữa rồi.
Suốt mấy trăm năm nó đã theo bầy thú trốn chạy vô số lần, vô số lần chứng
kiến cảnh đồng bọn mình bị thợ săn giết hại, qua mỗi cuộc vật lộn sinh
tử, nó lại học thêm được đủ loại kỹ năng để sinh tồn, nhưng hổ dữ dù
dũng mãnh đến đâu cũng phải có lúc bị thương, cũng có thể bị thợ săn bắt được.
Hít sâu một hơi, súc sinh gắng nén đau gượng dậy, tứ chi
chạm đất nhưng chỉ còn nhúc nhắc được một tay một chân, nó rạp người bò
tới bên vách đá hệt như con sói bị thương.
Nhìn từ trên cao, súc sinh thầm nghĩ thà nhảy xuống vách núi này tan xương nát thịt, để sói
mẹ tha xương thịt mình đi làm mồi cho sói con còn hơn bị lột da làm nệm, cắt đầu làm đồ trang trí trong nhà lũ thợ săn.
Súc sinh ngước
đầu ngắm nền trời xanh thẳm, vầng trăng tròn sáng tỏ lơ lửng giữa tầng
không dịu dàng soi rọi khắp nhân gian. Suốt mấy trăm năm, nó từng có
biết bao đồng bọn, cũng từng mất đi hết đám này tới đám khác, trong rừng già, sáng sống chiều chết là chuyện thường, từ chỗ tranh không nổi
miếng ăn đến hôm nay thống lĩnh núi rừng, nó đã chẳng còn gì tiếc nuối,
nhưng giờ đang giữa mùa xuân, mùa xuân khiến nó bồn chồn nghi hoặc…
Tiếng cú rúc càng lúc càng chói tai, nó liền nhắm nghiền mắt nhảy xuống.
Gió thổi ù ù bên tai theo đà rơi tựa một khúc ai điếu đầy chết chóc. Có lẽ
vì không dùng thị giác, khứu giác của nó bỗng trở nên tinh mẫn lạ
thường, cũng có lẽ vẫn còn lưu luyến cuộc đời này, nó đột nhiên cảm nhận được hết sức rõ rệt từng mùi vị trong không khí: hương hoa đang nở rộ
thơm ngào ngạt, mùi máu tanh ngòn ngọt của con mồi bị dã thú tha về hang nuôi con, mùi sữa thoang thoảng của con non mới chào đời, thêm cả mùi
gì đó là lạ vừa man mát, vừa ấm áp, rất khó tả theo gió thoảng qua,
không sao nhận biết khiến người nó chợt nóng bừng.
Đương lúc
hoang mang vì thứ mùi lạ trong rừng mà mình mãi không nhận ra nổi, một
tràng cười lanh lảnh như chuông bạc ngân nga trong gió xuân vẳng tới
khiến nó giật thót mình, liền vươn tay ra theo phản xạ, bất ngờ nắm được một cành cây, theo bản năng hình thành từ mấy trăm năm, thân thể nó tự
động cuộn tròn lại, lộn một cái là đã đu mình lên cây.
Giữa khe
núi lởm chởm đá là một dòng suối róc rách trôi xuôi, tùy theo thế núi
hai bên khi hẹp khi rộng, dòng suối cũng có khúc chảy xiết có đoạn êm
đềm. Thiếu nữ áo xanh khoan thai dạo bước, một tay xách giày tay kia vén váy, nhón chân nhảy thoăn thoắt từ hòn đá này sang hòn đá kia giữa lòng suối, vừa nhảy vừa cười, ánh trăng lấp loáng trên bàn chân trắng nõn
của nàng, uyển chuyển như thủy linh, kỳ ảo tựa hoa yêu.
Đương
mùa hoa đào nở rộ, hoa nở đỏ rực hai bên vách núi, trải ra bát ngát dưới ánh trăng, huy hoàng tựa ráng chiều, rực rỡ ngang gấm lụa, mỹ lệ như
mộng như mơ. Thiếu nữ áo xanh cũng mê mẩn trước cảnh sắc nơi này bèn
ngồi xuống tảng đá bên khe vọc nước. Đột nhiên nàng đứng dậy, gỡ trâm,
xõa tóc, tháo dây lưng, cởi y phục rồi khỏa thân nhảy ùm xuống suối như
một chú cá tung tăng bơi lội, thoắt lặn ngụp, thoắt ngoi lên, có lúc còn thả mình bồng bềnh trên mặt nước, ngâm nga một khúc ca dao, mặc những
cánh hoa đào lả rả rụng xuống, dịu dàng hôn lên thân thể.
Mùi lạ trong gió càng lúc càng thê lương, Chúc Dung sắp đuổi tới nhưng súc
sinh vẫn đang mơ màng quên hết mọi thứ, bức tranh hoa đào nở đầy khe núi trong đêm trăng tròn mà thiên nhiên tạo nên thật trọn vẹn, tựa như đóa
hoa dại đầu tiên trên mảnh đất hoang, như tiếng sấm xuân đầu tiên giữa
ngày đại hạn, khiến một thứ gì đó lạ lẫm mà thân quen trong lòng nó đột
ngột vỡ òa.
Hơn trăm năm nay, mỗi độ xuân về, đám dã thú đều
bỗng dưng thay đổi tính nết, đi đến đâu nó cũng thấy từng đôi từng cặp
dã thú quấn quýt lấy nhau, vào lúc đó, dù là đồng bọn thân thiết nhất
cũng nhe răng gầm gừ cảnh cáo nó tránh xa, rời bỏ nó chẳng chút do dự.
Nó từng thắc mắc, nghi hoặc, lủi thủi chạy tới chạy lui, tra xét khắp
nơi, nhưng càng thấy càng hồ đồ, nó chẳng hiểu sao chú chim nhỏ xinh xẻo kia lại đứng trước chiếc tổ mà mình dày công dựng nên, xòe đuôi lộng
lẫy rù rỉ rù rì hót mời một cô chim khác vào ở, cũng không hiểu sao con
cáo nâu bủn xỉn gian manh lại đem con gà liều mạng trộm được trong thôn
dâng cho một ả cáo khác, vừa kêu vừa nhảy đầy nịnh nọt đẩy con gà tới
trước mặt, nài nỉ ả ăn cho, càng không hiểu sao lão hổ trắng vốn độc lai độc vãng lại dám quyết đấu cùng mấy con hổ lớn để bảo vệ một con hổ
cái, dù mình đầy thương tích cũng không chùn bước.
Trong cô đơn
và mê muội, nó luôn cảm thấy có thứ gì ở đâu đó phía trước, chỉ cần nắm
bắt được thứ ấy, nó sẽ hiểu vì sao bọn chim thú kia vui sướng nhường ấy, hiểu bản thân nó là ai, hiểu ý nghĩa của mùa xuân, hiểu tại sao nó lại
lẻ loi một mình, nhưng bất luận nó giương vuốt vỗ bắt ra sao cũng không
tài nào bắt nổi.
Giờ đây, giữa mùa xuân tràn trề nhựa sống, vạn
vật sinh sôi nảy nở này, cũng như vô số dã thú trong rừng khi trông thấy con thú cái, nó đã đột nhiên hiểu ra.
Nàng thiếu nữ trong khe núi đã đánh thức điều gì đó đang say ngủ trong tâm khảm nó.
Nó những muốn bế xốc nàng đem về tổ của mình trên cây, về hang của mình
trong núi, học theo chú chim đó thủ thỉ với nàng rằng tổ nó dựng khiến
cô an toàn xiết bao, có thể ngăn được diều hâu, bảo vệ được những quả
trứng mà nàng sinh ra; nó muốn đi bắt con thú ngon nhất về dâng trước
mặt nàng, xé phần bụng mỡ màng nhất ra cầu khẩn nàng ăn như con cáo nâu
kia; nó muốn đái khắp xung quanh khe núi để mỗi gốc cây hòn đá đều lưu
lại mùi của mình, tuyên cáo với tất cả dã thú và thợ săn rằng đây là
lãnh địa của nó, để nàng có thể tự do săn mồi ở đây, không cho bất cứ ai làm tổn thương nàng, nếu kẻ nào to gan dám xông vào lãnh địa của nó mà
uy hiếp nàng, nó thề sẽ quyết đấu với chúng đến chết, như lão hổ kia
vậy.
Suy nghĩ sục sôi đó chẳng khác nào ánh chớp rạch ngang nền
trời đen kịp, khiến cõi lòng mờ mịt hoang vu của nó chợt sáng bừng lên.
Mùa xuân, hóa ra đây chính là mùa xuân!
Nó ngửa cổ tru lên dưới ánh trăng, tiếng hú ngân dài lảnh lót phá vỡ sự
tĩnh lặng yêu bình bên khe núi khiến hết thảy dã thú trong rừng đều sợ
sệt nằm rạp xuống, núi rừng phút chốc lặng phắc như chết. Nàng thiếu nữ
dưới suối cũng ngước lên nhìn, nhưng từ xa chỉ thấy bóng một con dã thú
vừa giống hổ vừa giống sói đang đứng trên vách đá, sau lưng là vầng
trăng khổng lồ tròn vành vạnh, dã thú ngửa đầu tru lên thê thiết như
đang đắm mình giữa vũng trăng, từng sợi lông đều toát lên vẻ uy phong
lẫm liệt.
Cõ lẽ vì ở tít dưới khe suối nên nàng thiếu nữ chẳng
hề thấy sợ, trái lại còn cười lên lảnh lót, dang hai tay đập nước làm
bắn tung những hạt nước lấp lánh đủ màu cùng những cánh hoa đào rực rỡ,
nàng tung tăng nô giỡn giữa muôn ngàn bọt nước và cánh hoa, khi đứng khi nằm, khi xoay tròn khi đáp xuống hòa cùng tiếng tru của con dã thú, hệt như đang múa một điệu hoa đào dưới trăng trong vì nó vậy.
Súc
sinh bi thương chiêm ngưỡng nàng trong phút chốc rồi kiên quyết quay
mình tuột xuống vách đá, kéo lê cái chân gẫy khấp khiểng rời khỏi khe
núi. Dọc đường, nó chẳng những không lo che giấu hành tung mà thỉnh
thoảng còn dừng bước nghiêng tai nghe ngóng, xác nhận bọn Chúc Dung đã
đi xa khỏi khe núi, đang bám theo dấu vết của mình.
Giữa tiết
xuân muôn hoa rực rỡ, bướm lượn oanh bay này, nỗi cô đơn nghi hoặc suốt
mấy trăm năm đã tiêu tan, nhưng khi vừa kịp hiểu ra mình nên làm gì
trong ngày xuân đẹp đẽ thì nó đã chẳng thể sống thêm một mùa xuân nào
nữa. Điều duy nhất nó có thể làm, chỉ là giữ gìn cho nàng ấy không bị
tổn hại mà thôi.