Chương 1-1: Lời mở đầu
Búp bê Bắc Kinh là tiểu thuyết đầu tiên của tôi, được viết cách đây ba năm khi tôi mười bảy tuổi. Ngay lúc đang viết, tôi đã biết cuốn tiểu thuyết ghi lại tuổi trẻ của tôi và thế hệ tôi này sẽ chỉ bộc lộ ý nghĩa và giá trị thật sự của nó thông qua thời gian. Tôi thật sự muốn mọi người đọc cuốn tiểu thuyết để họ có thể hiểu được tuổi trẻ của tôi, với tiếng cười, với nước mắt của nó.
Điều tôi không ngờ đến là việc xuất bản cuốn Búp bê Bắc Kinh lại khó khăn đến vậy. hơn một năm ròng, bản thảo đã được đưa đến gần một tá các nhà xuất bản, và tất cả những gì tôi nhận được đều là tin xấu – không ai muốn xuất bản cuốn sách cả. Điều đó đã khiến tôi lâm vào một trạng thái mà tôi bắt đầu tin rắng sách sẽ không bao giờ in được. Thẩm Hạo Ba, người bạn tốt nhất của tôi và sau là người xuất bản cuốn Búp bê Bắc Kinh đã an ủi, và động viên tôi làm thơ. Điều đó đã trở thành thú vui mới của tôi; nó giúp tôi vượt qua giai đọan đau đớn và hoang mang trước khi cuốn sách được xuất bản.
Khi tôi gần mười chín tuổi thì cuối cùng cũng nghe được tin cuốn sách sắp sửa được xuất bản. Tôi thấy run rẩy; cái tin đó dội vào tôi như tiếng sét, khiến tôi hiểu được vô số chuyện và chín chắn lên nhanh chóng. Một năm sau khi sách đã được in ở đại lục Trung Quốc, tôi đã trải nghiệm được nhiều thứ mà tôi chưa từng tưởng tượng được. Tôi nhận được cả những lời ca ngợi lẫn khinh bỉ từ các độc giả. Ngay lập tức sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn lao dữ dội; báo chí, phê bình và dư luận đàm tiếu tràn ngập khắp nơi. Rồ vô số các bạn trẻ ở Trung Quốc viết cho tôi rằng đọc Búp bê Bắc Kinh là sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc sống của họ. Họ nói sách mô tả tình cảm của họ và phản ánh được những sự tàn nhẫn của tuổi trẻ mà tất cả chúng tôi đều trải qua: mãi mãi giận dữ, mãi mãi không thỏa hiệp. Cuốn sách, họ nói, đã tái hiện lại được những kinh nghiệm đau đớn nhưng có thực của họ về những vật lộn và những hoang mang bí mật của bản thân, cũng như sự xung khắc không thể hòa hợp của họ đối với xã hội, gia đình và nhà trường. Nó đã biểu đạt những tính cách duy nhất của một thế hệ mới ở Trung Hoa. Những độc giả tuyệt diệu đó đã trở thành những người đồng cảm với tôi và một nguồn cảm hứng. Tôi muốn cảm ơn họ vì đã đọc cuốn sách một cách nghiêm túc đến thế. Việc họ tìm thấy trong sách bao nhiêu tiếng vọng cũng chẳng quan trọng; tôi chỉ thấy hạnh phúc bởi họ đã đọc sách tôi viết. Có thể đó là điều mà tất cả các tác giả vẫn cảm thấy.
Bắc Kinh bây giờ rất khác với Bắc Kinh thời thơ ấu của tôi; nó đã trở thành một đại đô thị quốc tế, hiện đại. Càng ngày càng có nhiều người nước ngòai đến Trung Quốc, và cùng lúc đó, người Trung Quốc đã trở nên tự do và cởi mở hơn. Thời đại bây giờ đã là một thời đại đa cực, khi mọi người có những quan điểm khác nhau đều được tôn trọng. Điều chúng ta cần giờ đây chính là cá tính thật sắc nét, chứ không phải là sự rập khuôn theo lề thói. Đáng tiếc là, dù sao, vẫn có rất rất nhiều những người không thể thông hiểu và sẽ bất bình với những ý tưởng và hành vi được mô tả trong Búp bê Bắc Kinh, cuốn sách ngay khi ra mắt đã gây dư luận trái ngược. Đây là tiểu thuyết đầu tay của tôi, trong đó tôi đã bỏ ra biết bao cố gắng, biết bao hy vọng và mơ mộng. Mọi sự xúc xiểm, khinh bỉ, cấm đóan đều khiến tôi đau đớn. Búp bê Bắc Kinh, dù gì thì gì, đã ghi được một dấu ấn vĩnh viễn không thể phai nhạt đối với người trẻ Trung Quốc; và ảnh hưởng của nó, cùng với việc sách tiếp tục được dịch ra các thứ tiếng ngọai quốc, vẫn không ngừng lan rộng. Tôi hy vọng rằng độc giả trên khắp thế giới, người trẻ và người đã từng trẻ, sã có dịp đọc cuốn sách. Mặc dù tôi viết về những kinh nghiệm của một thiếu nữ Trung Hoa, người trẻ khắp nơi cũng đều đối mặt với những vấn đề tương tự. Tôi hy vọng sẽ trở thành bằng hữu với các bạn.
Tôi bây giờ đã hai mươi tuổi và vẫn tiếp tục viết văn làm thơ. Bất cứ ai một ngày kia cũng sẽ mất đi tuổi xuân, nhưng những ngày tháng ấy luôn xứng đáng được ca tụng.
Tôi muốn cảm ơn bạn tốt nhất của tôi, Thẩm Hạo Ba, và công ty xuất bản Viễn Phương. Chính bạn là người đã đem Búp bê Bắc Kinh đến tay các độc giả. Tôi cũng muốn cảm ơn bà Barbara J. Zitwer, người đại diện của tôi, ông Edmund Cheung ở Hồng Kông, vì đã giới thiệu cuốn sách ra ngòai biên giới Trung Quốc. Tôi cũng cảm tạ bà Vicki Satlow ở Italia và cảm ơn rất nhiều những dịch giả của cuốn sách – độc giả của Búp bê Bắc Kinh đều chịu ơn của tất cả quý vị.
Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn tất cả các độc giả của tôi, cha mẹ tôi, những người thân trong gia đình, và bè bạn.
Còn bây giờ thì mời ngồi, bình tâm lại, và lật trang.
Xuân Thụ
Tháng Bảy 2003