Chương 1
Tôi thấy rất lạ, thời điểm tôi có thể nhớ được tới giờ
là hồi tôi 5 tuổi. Năm tuổi tôi đã ở trong Thiếu Lâm tự. Vai vế của sư phụ tôi
ở đó chắc rất cao, tôi tưởng ông chỉ có hai đồ đệ. Một là Thích Không – sư
huynh tôi, hai là tôi – Thích Nhiên.
Những
năm ấy, Thiếu Lâm hết sức hưng thịnh, thịnh đến nỗi chữ Thích đã chẳng còn cách
nào để đặt thêm pháp danh nữa, bản thân sư phụ tôi lén giữ lại mấy chữ nghe hay
hoặc giả có ý nghĩa, dành cho những người có quan hệ với ông, những người đó
thường cho người khác xem thẻ bài pháp danh của mình để họ biết rằng chỗ dựa
đằng sau mình rất vững, nếu không phải người cai quản sự vụ chung của cả chùa
thì cũng là người có quan hệ với các vị đại quan bên ngoài, cho nên hễ đưa thẻ
bài pháp danh ra, thông thường đi đến đâu cũng không có ai ngăn trở, trên đường
muốn cưỡi ngựa thế nào thì cưỡi, có lấn vượt ngựa, tạt đầu lừa trên phố, phóng
ngược chiều, chạy quá tốc độc, cột ngựa sai quy định, húc nhẹ đuôi nhau, nha
môn cũng làm ngơ. Một số người vì gia cảnh nghèo nàn mà muốn xuất gia, đã từ bỏ
ý định đến Thiếu Lâm, chuyển sang nghề hành khất, chỉ vì pháp danh của họ quả
thực quá khó nghe.
Hồi sáu
tuổi, tôi nghe sư phụ nói với một người quỳ trước cửa chùa bảy ngày rằng, ngươi
chỉ có thể có pháp danh là Thích Phóng thôi. Tôi thấy cái tên này còn lọt tai
đôi chút.
Năm bảy
tuổi, tôi nghe sư phụ nói với một người quỳ trước cửa chùa mười ngày rằng: ta
rất cảm động, nhưng pháp danh không còn nhiều nữa, ta thấy cái tên nghe hay
nhất còn lại cũng chỉ có Thích Vú thôi.
Người
ấy nói: Đa tạ sư phụ, song đệ tử đường đường là một nam tử hán, chỉ cần không
gọi pháp danh này, chứ gọi là gì cũng được.
Sư phụ
tôi nói: Vậy thì chỉ có tên Thích Cứt.
Người
ấy có lẽ vì đã quỳ đã lâu nên choáng, dám công khai bày tỏ ý nghĩ xấc xược với
sư phụ tôi: Thưa sư phụ, vì sao pháp danh chỉ có thể là hai chữ? Ba chữ cũng
được chớ.
Sư phụ
tôi nói, ông thích nhất chữ “Nhiên”, những thứ bao hàm trong chữ “Nhiên” khó
nói rõ được nhất. Ông tặng chữ Nhiên cho tôi. Tôi bấy giờ chưa hiểu được ý
nghĩa hàm chứa trong pháp danh hay ho này, thực ra tôi thích cái tên “Thích
Không” hơn, sư huynh tôi cũng đồng ý để chúng tôi đổi pháp danh, nhưng sau khi
chúng tôi bày tỏ ý nghĩ này, cả hai đều bị phạt quỳ một ngày một đêm, sư phụ
tôi nói, những thứ đó, không phải muốn đổi là đổi được đâu. Những thứ đó là do
số mạng đem lại, con không thể thay đổi được số, trừ phi đem mạng ra đổi.
Theo đó
tôi dần dần lớn lên, ngày càng phát hiện ra mình có khả năng mà người khác
không có. Võ thuật giang hồ, chẳng qua chỉ thế mà thôi, một cao thủ võ lâm có
thể địch được mười người, ám khí dùng chuẩn xác, nhãn lực cực tốt, dù chạy rất
nhanh, nhảy rất cao, song có nhanh cũng chẳng thể nhanh hơn ngựa, có cao cũng
chẳng thể cao hơn tường, so với người thường chẳng qua chỉ chạy nhanh hơn, nhảy
cao hơn một chút xíu mà thôi, còn sự phát triển của võ lâm thì cuối cùng cũng
sẽ quy tập về ám khí, chỉ vậy mà thôi. Nhưng chỉ cần tôi muốn, thì dù động tác
có nhanh hơn nữa, tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ mồn một, vả lại còn giống y như
đang quay chậm, ám khí có nhanh hơn nữa, từ ngoài mười trượng phóng đến mặt
tôi, tôi cảm thấy chỉ cần trong một cái ngáp hơi đã thừa sức đỡ được. Song tôi
cũng cảm thấy động tác của tôi ngày một mau lẹ hơn thôi.
Sư phụ
tôi nói, con đã mù suốt ba kiếp, cho nên kiếp này được đền bù.
Tôi
đáp, vậy thì tốt quá, kiếp này chắc con sẽ rất hạnh phúc.
Sư phụ
nói: Nhưng con đâu biết được nỗi khổ ở kiếp trước của con.
Tôi trả
lời, vậy kiếp sau của con thì thế nào.
Sư phụ
nói: Vẫn là một thằng mù. Khả năng này của con, cứ ba kiếp lại một vòng luân
hồi.
Tôi
đáp, vậy thì cứ ba trăm năm mới tái xuất một người như con rồi.
Sư phụ
nói: Không phải là ba trăm năm mà là một trăm năm, ba kiếp của con cộng lại có
một trăm năm thôi.
Bấy
giờ, sư phụ vẫn chưa dạy tôi phép chia.
Hồi bảy
tuổi, hễ trời sáng là tôi trở dậy, ra đứng ở giữa sân, không biết từ lúc nào ai
đó ném từ đâu ra một cái chổi, tôi không được để nó rơi xuống đất, bằng không
tôi sẽ phải trồng cây chuối một tiếng đồng hồ. Tôi sợ nhất là trồng cây chuối.
Khi quét sân, mỗi nhát chổi của tôi đều không được để bụi bặm vẩn lên, cho nên
cứ quét một nhát xuống ngay lập tức phải lật chổi dìm lại, cứ lặp đi lặp lại
như thế, hết sức khổ sở, sư phụ tôi làm vậy chắc chắn nhằm khiến động tác của
tôi nhanh nhẹn hơn. Phần lớn thời gian tôi cảm thấy mình rất thông minh, song
mười năm sau một câu nói của sư phụ khiến tôi sực tỉnh. Sư phụ nói, con không cần
phải vất vả như vậy, nếu mỗi nhát chổi quét thật chậm, bụi bặm sẽ không vẩn lên
được.
Ngày
qua ngày đều như vậy, nhưng tôi lại muốn sống một cuộc sống ở ngoài chùa. Thiếu
Lâm quản tôi rất ngặt, đi đâu cũng có người bám theo, mà rất nhiều người là
đằng khác. Kỳ thực bất kỳ việc gì họ làm, bất kỳ chiêu thức gì họ tung ra, tôi
đều nhìn thấy rõ ràng, tôi chỉ muốn một mình ra ngoài chơi một lúc thôi, rồi tự
khắc sẽ quay về.
Nhưng
trước khi lên năm, tôi làm những gì nhỉ? Tôi hỏi sư phụ, sư phụ nói trước năm
tuổi tôi chơi đủ rồi, đến lúc phải học hành, nhưng kỳ lạ là, vì sao trí nhớ của
tôi trong năm năm ấy lại trống rỗng.
Mùa hè
năm lên bảy, tôi và sư huynh Thích Không cuối cùng cũng được phê chuẩn cho ra
ngoài chùa tắm, chùa xây trên núi, cách đó không xa có một con sông nhỏ vắt
ngang, trên bờ sông có rất nhiều cây táo. Lần tắm sông ấy, từ trên cây rơi
xuống cả thảy ba mươi mốt quả táo.
Thích
Không nói, đệ có biết huynh là ai không?
Tôi
nói, đệ còn chẳng biết đệ là ai nữa là.
Sư
huynh Thích Không lớn hơn tôi ba tuổi, huynh nói, chúng ta đã có võ nghệ cao
cường, chi bằng hãy lén xuống núi tìm hiểu xem chúng ta là ai, rồi chơi mấy trò
thật vui!
Tôi
biết, trong có mấy ngày mà làm rõ được thân thế của mình hẳn là điều không thể,
nhưng đúng là được đi chơi thật.
Tôi lập
tức bày tỏ sự đồng tình.
Thích
Không nói, chúng ta không thể đi đường xuống núi được, phải men theo con sông
này xuôi xuống.
Cả hai
còn chưa tỏ thái độ gì, chân đã bất giác men theo bờ sông đi xuống dưới, cứ thế
đi mãi đi mãi, đột nhiên phát hiện ra ven sông có một sơn động. Ở trong chùa
chúng tôi được nghe rất nhiều truyền thuyết, đồng thời phát hiện ra hễ là các
nhân vật trong truyền thuyết, họ chỉ có được sức mạnh thần bí để thay đổi số
mệnh khi ở trong sơn động mà thôi. Tôi từng buông lời cảm khái rằng, ở trong
chùa mười năm chẳng bằng vào trong động một lúc, sư phụ nói, đó là định mệnh,
những việc trước đó chỉ là sự chuẩn bị tiền đồ để định mệnh xảy ra, là cái tất
yếu dẫn dắt cuộc đời con đi theo định mệnh, bởi định mệnh không phải là số mệnh
của cuộc đời con, mà là vận mệnh của cả một thời đại, nhưng lại vừa khéo xảy ra
với một sinh mạng. Tôi tỏ ra không thể lý giải. Sư phụ nói, tức là, hiện giờ
con không tập luyện võ công trong Thiếu Lâm cho cẩn thận, dẫu trước mắt có một
vạn cái sơn động đi nữa cũng vô ích thôi.
Nhưng
hôm ấy, cuối cùng thì tôi cũng nhìn thấy sơn động. Thích Không hết sức phấn
khích, lao ngay về phía cửa hang. Trong hai người đã có một người rất hưng
phấn, cho nên tôi bắt buộc phải tỏ ra thật bình tĩnh, bởi trong các câu chuyện
truyền thuyết, nhân vật đều rất ít khi bị kích động, nhưng cuối cùng tôi cũng
không thể nhẫn nại được hơn, bởi từ kích cỡ, vị trí hang cho đến cả hình dạng
của cửa hang đều quá chuẩn xác, quá truyền thuyết. Nét mặt tôi nghiêm lại, chạy
nhanh hơn cả sư huynh tôi.
Cũng
giống như trong truyền thuyết, chưa đến cửa hang, hai chúng tôi đều đã bất tỉnh
nhân sự.
Khi
tỉnh dậy chúng tôi đã ở trong chùa, giọng sư phụ văng vẳng: “Cuối cùng thì con
cũng tỉnh rồi.”
Mở mắt
ra, ngay câu đầu tiên tôi liền hỏi cái hang đó thế nào.
Sư phụ
lắc đầu.
Tôi lại
hỏi: Sư huynh sao rồi ạ?
Sư phụ
nói, nó tỉnh sớm hơn con, đang bị phạt đứng tấn mã bộ, đã đứng được một ngày
rồi.
Phản
ứng đầu tiên tức thì của tôi là muốn hôn mê tiếp.
Sư phụ
nói: Con không bị phạt.
Tôi
hỏi: Sao vậy ạ?
Sư phụ
nói: Các con vào động phen này, chắc chắn là chủ ý của con. Nhưng sư huynh con
tỉnh dậy sớm hơn con, cho nên đã gánh hết tội rồi, nó bảo đã ép con vào. Nếu đã
là vậy, thì ta không phạt con nữa.
Tôi
nói: Rốt cuộc là sao ạ?
Sư phụ
nói: Con nghe ta nói đã, con phải nhớ rằng con chắc chắn không phải người bình
thường, về sau làm việc gì nhất định phải ghi nhớ, những việc con càng cảm thấy
không làm được, thì lại càng phải thận trọng. Con còn nhỏ, chưa chắc đã hiểu
được. Nhưng con nhất định nhớ được, rồi hỏi đến sư huynh, chứng tỏ con hiểu rất
rõ những gì con cần hiểu rõ. Vả lại thứ tự trong tâm con cũng rất rõ ràng. Nhớ
rằng việc gì cũng đều phải tuân theo thứ tự trong tâm mình nghe chưa.
Tôi
nói: Vậy câu nói đầu tiên sau khi sư huynh tỉnh lại là gì ạ?
Sư phụ
nói: Ta không nói đâu. Song, sau này con sẽ biết, hai đứa chúng bay, suy cho
cùng vẫn chẳng thể nào cùng chung sống được.
Ngày
hôm sau, tôi gặp Thích Không, từ đầu chí cuối tôi vẫn không biết câu đầu tiên
huynh ấy nói sau khi tỉnh dậy là gì, sư huynh bảo: Đứng lâu quá nên quên rồi.
Tôi
hỏi: Sao đang yên đang lành lại ngất xỉu?
Sư
huynh nói: Huynh mà biết vì sao lại ngất xỉu thì liệu có ngất xỉu không.
Tôi
nói: Đệ muốn tới hang động đó một lần nữa.
Sư
huynh nói: Đi như thế nào, đây là ngôi chùa thâm nghiêm nhất trong số mười chùa
chín núi ở Trung nguyên, không thể trốn ra được đâu.
Tôi
đáp: Cái động kia... tiếc thật đấy.
Sau đó,
tôi quyết định đi tìm sư phụ để giải quyết vấn đề.
Sư phụ
nói: Ta cũng biết cái động ấy, thực ra cũng rất muốn nói cho các con biết,
nhưng giờ chưa phải lúc, các con cảm thấy trong chùa quá vô vị, vậy ta giữ lại
bí mật này, đợi sang năm vào ngày này, tự ta sẽ nói cho các con biết.
Phương
trượng đứng một bên cười. Sau khi chúng tôi rời bước, phương trượng nói: Hai
đứa bé này, một cái hang lại có thể kêu suốt một năm sao, đúng là một
hang một thế giới. Nhưng mà bé thế đã ở trong chùa rồi,
ít nhiều cũng nhàm chán nhỉ.
Sư phụ
nói: Chỉ có một tuổi thơ nhợt nhạt, mới có thể có một tuổi trẻ vô tình. Giang
hồ chắc chắn sẽ ngày một tanh uế, chúng sẽ là cao thủ của những cao thủ, những
kẻ đối địch với chúng cũng đều là cao thủ, cao thủ xuất chiêu với nhau, thì
phải xem tâm ai không ngổn ngang, bởi một chiêu là một mạng, trong lòng có quá
nhiều ký ức, ắt sẽ có vô số tạp niệm.
Phương
trượng nói: Ta mặc kệ việc này vậy.
Sư phụ
nói: Khi nào giang hồ mới có thể thống nhất đây!
Phương
trượng nói: Không thống nhất được đâu. Không thống nhất thì bên ngoài loạn, có
cách gì được. Việc trong tâm thì chẳng có cách gì hết.
Mùa
đông năm tôi chín tuổi.
Khí
trời chuyển lạnh, tuyết lớn dày dần. Thế giới bên ngoài xảy ra nạn đói, hằng
ngày ngoài chùa đều có hàng ngàn người ngồi đó. Năm ấy hoàng thất xảy ra nội
loạn không liên quan tới triều chính. Đồn rằng đó chỉ là ân oán của mấy bà quý
phi và hoàng hậu trong cung, song lại khiến nhà vua không còn tâm trí trị nước.
Mà không còn tâm trí trị nước cũng chẳng sao, cái quán tính quyết định quốc gia
càng lớn, chính quyền duy trì càng lâu, không thì cũng vẫn vậy, buông tay một
hai năm, rồi giải quyết mấy việc nhập nhằng, cộng thêm một vài thiên tai, một
vài cuộc nổi loạn nhỏ diễn ra ở địa phương, các bộ xem rôm rả cho vui, rồi lại
bàn mưu tính kế trong bụng, ấy mới là kế trị nước lâu dài. Không có thiên tai,
không dẹp loạn, không tiễu binh, chẳng hóa ra vua chúa chỉ có mỗi cuộc sống
tình dục thôi sao. Song hoàng đế triều ta cũng rõ ghê gớm, chỉ riêng cuộc sống
tình dục thôi đã có thể gây ra loạn lớn rồi, hoàng hậu muốn phế quý phi, quý
phi lại có bản lĩnh dấy binh bao quanh thành Trường An, bấy giờ đúng đợt ôn
dịch hoành hành trong dân gian, may sao Trường An bị bao vây nên chẳng ai có
thể lọt vào, thành thử không ai lây nhiễm.
Trong
chùa tuy rất thanh tịnh, nhưng ngoài chùa luôn rất ồn ào, hằng ngày đều có
người chết, hằng ngày đều có vô số người đập cửa chùa, sư phụ tôi cả ngày rầu
rĩ, không biết cửa nẻo nên đóng hay nên mở; không mở thì mất hết nhân tâm; còn
nếu mở, sẽ phải chết cả lũ. Quả thực rất phiền phức khi sự việc nhất định phải
thực hiện theo nguyên tắc lại vượt qua ngưỡng cho phép của nguyên tắc, sư phụ
tôi mâu thuẫn đến lú lẫn.
Tối hôm
đó, phương trượng cho gọi tất cả mọi người lại, hỏi: Mở cửa hay không?
Tôi
nói: Mở ạ!
Sư phụ
tôi nói: Con muốn chuồn ra ngoài nhân lúc náo loạn phải không?
Tôi
đáp: Con không có ý đó, dân... dân chúng chịu khổ, Thiếu Lâm chúng ta...
Sư phụ
nói: Mở cũng được, nhưng cột thằng nhóc này lên mai hoa thung đã.
Bấy
giờ, bên ngoài lại bắt đầu vẳng đến những tiếng đập cửa.
Sư phụ
nói: Ta coi quản chùa này hai mươi năm nay, đây là lần đầu tiên cảm thấy đau
lòng đến vậy, người ngoài kia chắc hẳn bất đắc dĩ quá nên mới lấy đầu đập cửa,
nếu chúng ta tiếp tục không mở, vậy có khác gì đương kim triều đình đâu.
Lúc
này, phía ngoài kia vang lên một tiếng “uỳnh”.
Tất cả
mọi người đều rùng mình. Đập đầu gì mà lại vang lớn đến thế, chắc phải có dũng
khí lắm.
Có người
hỏi: Thưa sư phụ, liệu có phải Tung Sơn phái người tới báo tin không nhỉ, Tung
Sơn chẳng phải đang luyện Thiết đầu công sao?
Sư phụ
nói: Không phải đâu, nếu là đệ tử cấp cao, chắc chắn sẽ đi cửa sau, cửa sau của
chúng ta luôn mở mà.
Lúc
này, ngoài cửa lại dội lại một tiếng “uỳnh” vang to hơn nữa.
Mọi
người nói: Chết rồi chết rồi, lần này chắc đau đấy.
Vừa nói
dứt, ngoài cửa lại kêu “uỳnh” một tiếng, vang hơn nữa.
Mọi
người kinh ngạc kêu lên: Chết rồi, chết thật rồi!
Vẻ mặt
của sư phụ và phương trượng đều rất nghiêm nghị.
Thinh
lặng, trầm ngâm một lúc lâu. Đột nhiên, một tiếng “uỳnh” vang dội nhất trong
lịch sử ập tới.
Sắc mặt
mọi người dịu lại: Vẫn chưa chết!
Phương
trượng hô: Mở cửa chùa!
Sư phụ
tôi truyền lời xuống nói: Chuẩn bị mở cửa chùa! Tất cả đệ tử Thiếu Lâm, mau cầm
chắc gậy gộc, đề phòng hỗn loạn, chắc chắn phải giữ yên trật tự, cho người vào
từng tốp, mỗi tốp một trăm người, cái tên lấy đầu đập cửa kia phải cho vào
trước tiên, chữa trị khẩn cấp, nó tuy vũ dũng, nhưng cũng là nhân tài. Ta sẽ
chủ trì việc mở cửa.
Nói
đoạn mọi người tức khắc xếp thành hàng, tôi và Thích Không đứng trên điện quan
sát, bên ngoài tiếng người sôi sục, sắc mặt sư phụ nặng trĩu, ông từ từ mở cửa.
Trong
chớp mắt, tôi thấy sự việc bất chắc xảy ra. Cùng lúc, có tiếng người bên ngoài
vọng đến: Mấy cú vừa rồi đá nhỏ quá, mỗi lần đập đều lấy hòn to hơn mà ích gì
đâu, chẳng thà lấy tảng to nhất nện đi!
Trong
khi đó, sư phụ tôi vừa mở cửa, đang định đón tiếp với vẻ mặt hiền từ.
Tôi vừa
nhìn thấy một đám hỗn loạn, đệ tử cấp cao của bản chùa đứng đằng sau đã tức tốc
đẩy cửa lại, sư phụ tôi ngã đánh rầm xuống đất, đám người đói khát bên ngoài ồ
ạt xông lên, hơn một vạn cánh tay và cẳng chân khua khoắng trước mắt tôi. Trong
cơn hoảng loạn, không ai để ý tới một tiểu cô nương đã bị đẩy vào chùa qua khe
cửa. Thế rồi cửa chùa đóng chặt lại, tiểu cô nương đưa mắt nhìn tôi. Tiểu cô
nương ấy rất xinh, tôi mường tượng được bộ dạng của cô năm mười tám tuổi. Lẽ
nào tôi không chỉ có thể nhìn mọi thứ như đang quay chậm, mà còn có khả năng
mường tượng ra tương lai! Ngỡ như một sự an bài, câu chuyện thanh mai trúc mã
sắp sửa xảy ra.
Sư phụ
tôi từng nói, mọi việc có chừng mực, muôn vật
không mất đi, ví dụ như, mọi hạnh phúc đều mang tính cục bộ, hạnh
phúc của một bộ phận người này tất yếu sẽ dẫn đến sự đau khổ của một bộ phận
người khác. Cho nên, hạnh phúc trên đời này chỉ là sự hoán đổi mà thôi.
Hôm nay
cuối cùng tôi cũng hiểu rõ, ý của sư phụ là lần mở cửa này, tôi sẽ có một cô
bạn gái để bầu bạn, sẽ rất hạnh phúc, mà khi tôi hạnh phúc chắc chắn sẽ có một
người đau khổ, người đó chính là sư phụ tôi.
Tôi rất
lấy làm lạ vì sao tôi không những có thể nhìn mọi thứ một cách chậm rãi, mà còn
có thể nhìn thấy hình dạng trong tương lai của mọi sự việc, nếu được như vậy,
tôi đã là thầy bói lâu rồi. Tôi chỉ có thể nhìn thấy bộ dạng trong tương lai
của một người nào đó, hay phải chăng tương lai đó đã xảy ra, và ở đây đang diễn
ra lại một vòng luân hồi? Trong mơ tôi thường xuyên thấy một cảnh tượng kỳ lạ,
sư phụ bảo, mộng cảnh chỉ là sự hồi tưởng của tương lai. Tương lai còn chưa xảy
ra, vậy hồi tưởng thế nào. Tôi hỏi sư phụ. Sư phụ nói: Chính vì tương lai còn
chưa xảy ra trong hiện thực, cho nên mới có thể hồi tưởng nó trong mộng cảnh.
Mọi sự đã được an bài, con đừng cảm thấy phải chịu đựng sự an bài của chúng ta
khi ở trong chùa. Cuối cùng con sẽ tự do, nhưng con vẫn phải chịu sự an bài của
số phận.
Bất kỳ
một sự tự do nào cũng đều là khởi đầu cho một sự an bài khác.
Mùa
đông, tuyết tan gió nhẹ, mặt trời đỏ hồng.
Cuối
cùng cửa chùa không được mở ra thêm lần nào nữa, với thời tiết thế này, nên ra
ngoài vui chơi mới phải. Trong những ngày âm u, mỗi buổi chỉ là nỗi buồn, trong
những này nắng ráo, nỗi buồn lại là sự đau khổ. Sư phụ nói: Ta thà để người bên
ngoài kia chết hết cả.
Tôi
nói, thực ra bất kỳ ai cũng có thể biết trước được tương lai. Tương lai chẳng
phải đều chết hết cả sao.
Sư phụ
nói: Không phải, chết là kết quả, không phải tương lai, tương lai là kết quả
trước khi chết.
Tôi
nói: Bên ngoài đông người như thế, đã chết ngót một nửa rồi, dù sao cũng đều
chết, có đem vào cứu cũng chết, ngộ nhỡ bệnh dịch truyền vào, thì mọi người sẽ
chết cùng nhau, có cứu sống được, cuối cùng cũng vẫn chết, sư phụ chớ buồn.
Sư phụ
nhìn tôi chằm chằm, nói: Ta mà nghĩ như vậy, thì ta chết từ lâu rồi. Con không
được nghĩ như thế, nghĩ nhiều con sẽ tin đấy.
Ngoại
trừ tiếng rên xiết, ngoài cửa đã không còn bất kỳ động tĩnh nào. Chúng tôi theo
lệ, hằng ngày leo lên tường cao ném bánh bao ra ngoài. Lương thực dự trữ trong
chùa chỉ có thể dùng trong ba ngày nữa mà thôi, sau ba ngày, mọi người sẽ hết
thức ăn.
Tôi
chưa bao giờ ngờ rằng một nạn đói lạ thường kèm theo ôn dịch lại có thể kéo dài
đến vậy. Bạn cứ tưởng tượng xem, gió nhẹ mơn man da mặt như thế, bên ngoài
tường kia chắc hẳn sẽ ngập trời những cánh hoa mai.
Hôm nay
cuối cùng tôi cũng có thể gặp lại tiểu cô nương duy nhất lọt vào chùa trong cơn
hỗn loạn hôm mở cửa. Bởi bên ngoài nạn ôn dịch hoành hành dữ dội, sau khi tiểu
cô nương vào chùa đã bị nhốt lại mười ngày. Mọi người muốn biết chắc chắn tiểu
cô nương đó không bị nhiễm bệnh rồi mới thả ra. Chập tối, tất cả cũng bàn bạc
xem có nên giữ tiểu cô nương này lại không.
Sư phụ
còn chưa cất lời, Tiểu cô nương đó đã nói: Sao các vị không cứu người khác?
Một vị
sư huynh nói: Muội tưởng chúng ta nhấc một mình muội ra khỏi đám người kia, cứu
riêng muội chắc? Muội bị đẩy lọt vào chùa, đó là một sơ suất.
Tiểu cô
nương lại nói: Vậy tại sao các vị không ra cứu người?
Một vị
sư huynh khác nói: Cứu cái gì mà cứu, bọn ta cũng sắp chết đói cả đây này.
Tôi an
ủi: Thức ăn trong chùa chỉ ăn được hai hôm nữa thôi.
Bấy giờ
tôi cảm thấy, việc cứu giúp người khác chỉ là một thú tiêu khiển khi bản thân
đã đủ đầy.
Một vị
sư huynh nói: Xử lý tiểu cô nương này ra sao?
Có
người đề nghị thả ra ngoài chùa. Mọi người nhất trí phản đối, cảm thấy làm như
vậy quá vô nhân đạo, việc Thiếu Lâm tự đóng cửa chùa lần này đã rất quá đáng
rồi, giờ cứu người xong lại bỏ người ta ra bên ngoài, thì thật quá đáng quá,
lại nữa, triều đình dạo này hay viện vào các tấm gương điển hình để hành sự,
quả nhiên rất hiệu quả, Thiếu Lâm tự cũng cần có một tấm gương điển hình, để về
sau có thể đem ra tuyên truyền rộng khắp. Ông tuần phủ chẳng đã nói rồi sao,
tấm gương điển hình không phải một đại diện trong số một vạn người, mà là trong
một vạn người chỉ có một người như thế.
Sư phụ
nói: Để cô bé ở lại trong chùa đi.
Một vị
sư huynh khác vẫn có ý kiến: Vậy thì mấy việc tắm táp, chúng ta phải làm thế
nào?
Phương
trượng nói: Mười chùa chín núi ở Trung nguyên, đứng đầu về quy mô chính là bản
tự, chùa ta thì lớn bằng này, tiểu cô nương nhỏ bằng này, lại cứ phải tắm trước
mặt người ta mới được sao?
Sư
huynh ấy nói: Nhưng suy cho cùng bao nhiêu năm nay trong chùa chưa từng có cô
nương nào lui tới. Nay thoắt một cái, chúng đệ tử thật khó mà...
Phương
trượng hơi bực mình, cúi đầu hỏi tiểu cô nương: Tiểu muội muội, cháu mấy tuổi
rồi?
Tiểu cô
nương đáp: Cháu tám tuổi.
Phương
trượng nói: Cháu có biết cháu được sinh ra thế nào không?
Tiểu cô
nương đáp: Mẹ cháu sinh ra cháu.
Phương
trượng hỏi tiếp: Sinh như thế nào vậy?
Tiểu cô
nương đáp: Cháu không biết. Mẹ cháu chưa nói.
Phương
trượng nói với mọi người: Các người xem, cô bé ấy còn chưa hiểu biết gì cả, các
người thấy có gì bất tiện nào.
Phương
trượng tiếp tục nói: Cháu xem bao nhiêu người đứng xung quanh cháu, bọn họ có
điểm gì khác với cháu nào?
Tiểu cô
nương đáp: Bọn họ có cái ấy còn cháu không có cái ấy.
Phương
trượng sa sầm nét mặt, bất giác kêu: “Ố” lên một tiếng. Hỏi: “Cái ấy là cái
gì?”
Tiểu cô
nương đáp: Là tràng hạt, cái đeo trên cổ ấy.
Phương
trượng không dám hỏi thêm nữa, nói với chúng tôi: Các ngươi xem, còn kẻ nào
thấy thẹn thùng nữa không? Đệ tử Thiếu Lâm trải qua biết bao sóng gió, ai đời
lại sợ một tiểu cô nương còn... hết sức khờ khạo, đúng thật là!
Thế rồi
chùa cũng giữ tiểu cô nương này lại. Một ngày sau, rắc rối đã xảy ra, tiểu cô nương
một mực không chịu nói cho mọi người biết tên thật của mình, mọi người cảm thấy
không thể nào gọi là “con bé ấy” mãi được, tối đến, sư phụ bèn triệu tập nhiều
người lại, bàn hai việc đại sự, thứ nhất, lương thực trong chùa chỉ có thể duy
trì được hai hôm nữa thôi, tiếp sau đây phải làm thế nào; thứ hai, mọi người
hãy đặt cho tiểu cô nương này một cái tên.
Việc
đặt cho tiểu cô nương một cái tên trong thời buổi loạn lạc này có lẽ không nên
coi là đại sự, vả lại càng không nên đưa ra, song dường như mọi người lại rất
có hứng thú với việc này. Dạo gần đây ngày nào cũng có bao nhiêu người chết,
dân chúng bên ngoài khổ sở khốn cùng, chẳng ai còn hơi sức đâu làm việc gì, cứ
vui chơi đâm ra lại hay.
Vấn đề
nghiêm trọng thứ nhất mọi người chỉ thảo luận chừng năm phút, kết quả sau thảo
luận là phải ăn dè một chút, như vậy còn có thể kéo dài tới bốn hôm, đợi đến
khi nào chỉ có thể kéo dài được hai hôm hẵng nghiên cứu tiếp. Nhưng vấn đề thứ
hai mọi người thảo luận đúng hai tiếng đồng hồ, đệ tử Thiếu Lâm xưa nay đoàn
kết là thế, cũng có thể bề ngoài đoàn kết là thế, vậy mà suýt đánh nhau trước
mặt phương trượng, tình hình rất chi quyết liệt. Cuối cùng, trong tiết trời se
sắt, giữa thời buổi nhiễu nhương, trong ngôi chùa khốn khổ và cái không khí bi
đát này, mang trên mình niềm trông đợi của mọi người đến một cuộc sống tốt đẹp,
tiểu cô nương chính thức được đặt tên là “Hỷ Lạc”.
Tôi nhớ
rằng Hỷ Lạc rất có tài bếp núc, tài năng này ngay ngày hôm sau liền được mọi
người khai quật. Sư phụ bếp trưởng trong chùa tuy tài nghệ không tồi, nhưng rõ
ràng không hề nhiệt tình trong việc bếp núc, lại càng thiếu tìm tòi và sáng tạo
đối với các món ăn, cứ rau xanh với cà chua ăn cả năm. Tôi ghét nhất là ăn ớt
xanh, nhưng món nào của sư phụ ấy cũng đều có ớt xanh. Sau khi vào chùa, Hỷ Lạc
cảm thấy không giúp được gì cho mọi người cả, bèn hỏi xem có thể làm gì, kết
quả là bị điều vào nhà bếp, nhưng ngay ngày hôm đó, cô bé đã làm một mâm thức
ăn mà cả chùa xưa nay chưa thấy bao giờ, rau chân vịt luộc với cải xanh, cà
chua trộn màn thầu, khiến các món sư phụ bếp trưởng nấu hôm đó đều bị vứt ra
ngoài chùa cứu tế, còn mấy trăm người chúng tôi thì xúm quanh đồ ăn của Hỷ Lạc.
Sau khi
ăn no vừa khéo gặp Hỷ Lạc, tôi nói: Hỷ Lạc muội muội, vì sao không có ớt xanh?
Hỷ Lạc
nói: Muội không thích ăn ớt xanh.
Tôi
nói: Huynh cũng không thích ăn ớt xanh.
Tôi
nói: Muội thích ăn gì vậy?
Hỷ Lạc
nói: Muội thích cà, còn huynh?
Tôi
nói: Huynh thích ăn màn thầu.
Hỷ Lạc
nói: Sư huynh màn thầu ơi, huynh tên gì vậy?
Tôi
nói: Huynh tên là Thích Nhiên.
Hỷ Lạc
nói: Vậy muội sẽ gọi huynh là Thích ca ca.
Tôi
nói: Không được, ở đây bất kỳ sinh vật nào muội có thể nhìn thấy đều là Thích
ca ca. Hãy gọi huynh là Nhiên ca ca.
Tôi
hỏi: Muội thích làm gì nhất?
Hỷ Lạc
nói: Muội thích rửa bát nhất.
Tôi
mừng ra mặt, nói: Vậy bát của Nhiên ca ca này...
Hỷ Lạc
nói: Không được, sư phụ bảo không được rửa bát cho huynh. Sư phụ hỏi muội thích
làm gì nhất, muội trả lời muội thích rửa bát nhất, sư phụ nói, được, về sau hãy
rửa bát của sư phụ, vả lại con thích rửa bát của ai cũng được, nhưng không được
rửa bát cho người tên là Thích Nhiên, nó gặp con chắc chắn sẽ nhờ con rửa bát.
Tôi hết
sức ngỡ ngàng, sư phụ quả là một nhà tiên tri, đành nói tiếp: Được rồi, vậy
không cần rửa bát của huynh, còn nữa, sau này muội có gặp một người tên là
Không ca ca, muội cũng không được rửa bát cho huynh ấy đâu nhé.
Hỷ Lạc
nói: Vì sao huynh không thích rửa bát vậy?
Vấn đề
này tôi không hiểu rõ mấy, bèn trả lời: Muội cũng có thể coi là một người kỳ
lạ, lẽ nào muội cũng thích đổ bô sao? Về sau muội rửa hết bô trong chùa ta nhé.
Hỷ Lạc
khóc òa lên, chạy thẳng vào phòng sư phụ.
Rất
nhanh sau đó, sư phụ bước ra, Hỷ Lạc lẽo đẽo theo sau. Sư phụ nói giọng nghiêm
khắc: Nghe nói con vừa làm quen với Hỷ Lạc đã bắt em nó đi đổ bô hử? Nếu vậy,
con đổ bô một tháng đi nhé!
Đây là
lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy suy sụp. Bởi vì tôi ghét nhất dọn vệ sinh
và ăn ớt xanh. Trong khi đổ bô là một hạng mục mất vệ sinh nhất trong các công
việc dọn vệ sinh. Sư phụ bảo tôi: Làm như vậy để rèn luyện ý chí của con. Chỉ
những ai có ý chí mạnh mẽ mới thực sự mạnh mẽ.
Tôi bấy
giờ rất không đồng ý với cách nói ấy, nếu nói như thế, người mạnh mẽ nhất trong
cái chùa này chính là sư huynh Thích Bô, người phụ trách đổ bô thường xuyên cho
chùa còn gì. Tôi cảm thấy ý chí chỉ là một ước vọng. Sự mạnh mẽ của ước vọng
mới thực sự là mạnh mẽ. Cũng như việc tôi nhìn thấy có người đấm tôi với tốc độ
rất nhanh, ngay cả động tĩnh nơi lỗ chân lông của người ta tôi cũng nhìn thấy
rõ mồn một, đồng thời có thể nhìn thấy rõ ràng những tia nước bọt bắn vào người
tôi cùng lúc với tiếng hô “hây a” của người đó, nhưng lại không thể nào né
tránh được, thoạt tiên bị tia nước bọt bắn trúng, sau đó bị ăn một quả đấm. Đó
mới là sự đau khổ tột cùng.
Tôi đã
nói như vậy với sư phụ. Nhưng sư phụ nói, con lạc đề rồi, ta hoàn toàn không
hiểu gì hết.
Tóm
lại, tôi đã giải phóng cho sư huynh Thích Bô. Về sau mỗi ngày tôi phải dậy sớm
quét sân trước tiên, sau đó đi đổ bô, rồi nghe những tiếng rên rỉ bên ngoài
tường. Hỷ Lạc và tôi dậy sớm như nhau. Bất kể tôi đi đâu Hỷ Lạc cũng luôn bên
cạnh tôi – cũng không thể nói như vậy, nói vậy cứ như tôi bôn ba kinh lắm, thực
ra bất kể tôi có đi đến đâu cũng chỉ quanh quẩn trong sân mà thôi. Dù tôi quét
ở đâu, Hỷ Lạc cũng đi theo tôi. Mọi người đều rất ngưỡng mộ tôi, cảm thấy có
thể có được lý do chính đáng để ở bên một cô nương trong Thiếu Lâm tự là một kỳ
tích.
Hai
ngày sau đó, tôi nhớ rằng phương trượng lại chủ trì một cuộc họp, nội dung là
lương thực dự trữ mà chúng tôi ăn dè hà tiện bấy lâu, hiện giờ chỉ còn đủ dùng
cho hai ngày thôi. Không biết tiếp sau đây phải làm thế nào?
Có
người đề nghị chùa cắt cử một số huynh đệ ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Quan hệ
giữa Thiếu Lâm và triều đình xưa nay vẫn rất tốt, tất cả số lương thực của nhà
chùa thực ra đều do triều đình cấp phát, song tình hình hiện nay quả thật rất
khó khăn, ngay cả huyện lão gia cũng đã ba ngày nay không được ăn yến sào rồi,
nói vậy đủ hiểu trăm họ khổ cực đến nhường nào, kho lương trống rỗng từ lâu,
chúng tôi ở Trung nguyên là tâm điểm của tai họa lần này, đương nhiên càng
không có lương thực. Sư phụ đưa ra ý kiến có thể tới chùa khác tìm sự giúp đỡ,
người nói: Hiện giờ ngoài kia lòng người bấn loạn, bệnh tật hoành hành, tình
hình tai ương đỡ hơn một chút thì có chùa Thông Quảng, chắc chùa ấy còn chút
lương thực dự trữ, cả đi lẫn về là bảy trăm dặm, ai tình nguyện đi nào?
Mọi
người đều tỏ ý sẽ cùng sống chết với chùa. Chùa còn ta còn. Cho nên, kết quả
của cuộc họp lần này là, tất cả tiếp tục thắt lưng buộc bụng, lương thực của
hai ngày chia ra trong bốn ngày, hai ngày sau tiếp tục bàn cách đối phó.
Sư phụ
nói: Sự việc lần này cho chúng ta thấy rằng, chỉ cần khống chế ham muốn của bản
thân lại thì những thứ vốn thiếu thốn cũng có thể trở nên thừa thãi.
Tôi
nói: Chúng ta có thể gửi thư đến chùa khác.
Sư phụ
nói: Hiện giờ ngoài kia quá loạn, rất khó chuyển phát thư từ.
Tôi
nói: Dùng chim bồ câu ạ, chùa mình nuôi rất nhiều bồ câu đưa thư mà.
Sư phụ
nói: Ăn hết lâu rồi.
Tôi
sững người kinh ngạc, bởi tôi đã có ý chén thịt chim bồ câu lâu rồi, nhưng cảm
thấy người xuất gia không được ăn thịt, nào ngờ đến lúc tinh thần tôi lung lạc,
lại có người xuống tay trước. Tôi hỏi sư phụ người đó là ai?
Sư phụ
nói: Là phương trượng.
Tôi lại
sững người kinh ngạc, vì sao phương trượng không làm gương cơ chứ.
Sư phụ
nói: Mấy hôm trước cơ thể của phương trượng suy nhược, ngài chỉ đích danh là
muốn ăn canh bồ câu. Huống hồ nề nếp quy củ chỉ là thú tiêu khiển khi đã no ấm,
giờ đến việc no ấm còn không lo nổi, thì cần đến quy củ nề nếp làm cái gì?
Hai hôm
sau, phương trượng lại mở một cuộc họp, nội dung cuộc họp là, lương thực trong
chùa chỉ có thể dùng trong hai ngày, tiếp theo phải làm sao? Họp đến giữa buổi,
có tin tức truyền tới, ngoài chùa đã không còn một bóng người. Phương trượng
sững sờ, đích thân trèo lên tường xem xét, phát hiện ra quả nhiên không còn ai
thật, ngay cả xác chết cũng không thấy đâu, chỉ có gió bấc thổi trên đất lạnh,
cỏ dại nép vào cây khô. Phương trượng tự nhiên nhạt nhòa nước mắt, nói: A Di Đà
Phật! Họ chết thật sạch sẽ. Người chết đi rồi, người sống
chôn vùi, người sống sắp đi, bầu bạn cho vui.Nhưng mà, người cuối cùng
tự chôn mình như thế nào nhỉ?
Tôi
nghĩ, chắc phương trượng ăn chim bồ câu nhiều, bồi bổ hơi thái quá rồi, chứ
nhìn thế này là biết ngay, trong thành hẳn đã có phát đồ ăn.
Đúng
như dự đoán, tin tức lại được truyền đến, kho lương của nhà vua đã mở, các nơi
đang phát chẩn. Bạn có biết trong quốc khố có bao nhiêu lương thực không? Nhiều
đến nỗi, mở kho cứu thiên hạ ba ngày cũng chưa vơi được một nửa số dự trữ của
kho nhỏ. Kho này đủ cho cả nước ăn trong một tuần. Cả nước là khái niệm thế
nào, bao nhiêu nhân khẩu? Nếu mọi người đoàn kết thống nhất một cách tích cực
giống như việc tranh ăn, thì chắc chắn niên hiệu của vua đã đổi từ lâu.
Tôi
từng ngờ vực, vì sao khi cơn nguy nan vừa ập tới, kho lương Trường An không mở
ra cứu dân ngay, mà nhất định phải đợi sau khi vô số bá tánh chết đói, ngay cả
sư sãi cũng gần chết đói, kho lương mới được mở ra một cách trễ nải, nhà vua
đưa ra một quyết định lẽ nào phải đắn đo một thời gian dài đến thế sao?
Thực ra
bất kỳ quyết định nào cũng đã được đưa ra từ rất sớm, chỉ có điều thời cơ chưa
đến mà thôi. Kho lương mở ra sớm, bá tánh có khi chưa chết đói lên tới con số
mấy chục vạn, ta mở kho lương ta phát chẩn thì tất cả đều đội ơn cảm kích. Bản
tính của con người thực ra có thể hình dung bằng một từ “bần tiện”, vì sao nghe
bọn tiện nhân lọt tai hơn thằng ngu, thằng ngốc, thằng đần? Là bởi vì con người
ta vốn dĩ bần tiện.
Thoáng
một cái, dường như không có vấn đề gì nữa, nạn đói đã qua đi, chúng tôi vui vì
Thiếu Lâm cuối cùng cũng được giữ vững, chúng tôi buồn vì Võ Đang không chết
đói đứa nào. Cho nên mọi người đều ngỡ rằng chúng tôi cấu kết với triều đình.
Song suy cho cùng ai nấy đều vui vẻ. Sư phụ cũng rất vui. Nhân khi cao hứng,
tôi lại hỏi sư phụ một vấn đề hoàn toàn lạc đề: Rốt cuộc con là ai?
Sư phụ
nói, chúng ta đều là người trần tục, còn con thì không, con có năng lực đặc
biệt, con là THE ONE, con là chúa cứu thế.
Tôi
nói, không thể nào như vậy được. Người thiên hạ trong mắt con, chưa có ai thú
vị bằng Hy Lạc.
Sư phụ
nói: Đúng. Con cần phải ghi nhớ, những việc con có thể mở miệng nói, vĩnh viễn
là những việc từng xảy ra. Những việc từng xảy ra là những việc của quá khứ.
Còn điều ta nói là tương lai của con kia.
Mùa
xuân, sau tai ương lớn là cuộc chấn hưng lớn, thiên hạ phồn thịnh.