Chương 1
Một quán rất được trên quảng trường St-Michel
Và thế rồi cũng đến lúc thời tiết trở nên tồi tệ. Nó tới trong đúng một ngày, vào lúc mùa thu vừa tàn. Ban đêm chúng tôi đóng cửa tránh mưa và ngoài kia, trên quảng trường Contrescarpe, từng cơn gió lạnh tuốt sạch lá trên cành. Lá sũng nước và mưa bị gió thổi tạt vào chiếc autobus màu xanh lá cây to đùng đậu trong bến và trong quán café Amateurs ken đặc những người, hơi nóng và khói thuốc phả một làn sương dày trên cửa sổ. Cái quán buồn tẻ xập xệ ấy là nơi hứng trọn những tay say mèm ở quảng trường, mùi những người thiếu tắm và mùi say xỉn chua lét của họ khiến tôi phải chạy xa. Bọn đàn ông đàn bà thường lui tới quán Amateurs này thuộc diện say thường trực hay say bất cứ khi nào họ còn tiền gọi đồ uống, mà chủ yếu là rượu, họ vẫn thường hay gọi nửa lít hay một lít. Có nhiều nhãn hiệu rượu khai vị lạ lẫm được tiếp thị nhưng không mấy ai có tiền mua, trừ khi để làm bệ phóng cho những cốc rượu sau. Người ta gọi phụ nữ say xỉn là các poivrotte, con sâu rượu cái.
Quán Amateurs là cái thùng phân nằm trên phố Mouffetard, con phố chợ hẹp đông đúc rất tuyệt dẫn vào quảng trường Contrescarpe. Trong các ngôi nhà cũ kỹ, bên hông cầu thang ở mỗi tầng là những nhà xí loại ngồi bệt có đúc hai miếng xi măng hình chiếc giày cắt khía, chẽ thành góc cho dân locataire (người thuê nhà) không trượt chân khi ngồi, chất thải tuôn thẳng xuống những thùng phân rồi được bơm tấn vào các thùng đặt trên xe ngựa kéo vào mỗi buổi tối. Những ngày hè khi mở cửa sổ, có thể nghe tiếng bơm phân vào thùng cùng mùi xú uế nồng nặc. Dưới ánh trăng, những chiếc thùng sơn màu nâu và vàng nghệ do ngựa kéo cùng hệ thống trục gắn vào các bánh làm phận sự trên phố Cardinal Lemoine trông như tranh của Braque. Thế nhưng chẳng có ai làm vệ sinh cho quán Amateurs, và tờ quy định luật phạt say nơi công cộng của quán vàng úa dính đầy cứt ruồi, bẩn không khác gì đám khách quen mặt nặng mùi của nó.
Toàn bộ nỗi buồn của thành phố phút chốc ào tới khi những cơn mưa lạnh lẽo đầu tiên của mùa đông rơi xuống, và khi ta dạo bước, không còn thấy đâu nữa mái những ngôi nhà cao màu trắng mà chỉ còn lại sự âm u ướt át của phố phường, cánh cửa đóng kín của những cửa hàng nhỏ, hiệu bán cây thuốc, quầy bán báo và văn phòng phẩm, nhà bà mụ đỡ đẻ - thầy lang vườn - và cái khách sạn nơi Verlaine từ giã cõi trần, mà căn phòng tầng trên cùng là nơi tôi thuê để ngồi viết.
Để leo lên tầng cao nhất phải leo lên sáu hay tám lượt cầu thang, trời rất lạnh và tôi cần phải mua một nhúm cành non, ba túm đóm thông chẻ ngắn bằng nửa cây bút chì buộc thép để mồi lửa từ đám cành con ấy và một bó gỗ cứng đã sấy qua, để đốt cho ấm phòng nhưng quá biết từng thứ ấy sẽ tốn tiền như thế nào. Thế nên tôi đi ngược phố để nhìn lên những mái nhà trong mưa để ngắm các ống khói đang hoạt động và cách những làn khói tuôn. Nhưng tôi chẳng thấy khói đâu và bắt đầu nghĩ đến những ống khói đang lạnh lẽo hẳn không được ai cạo sạch và nghĩ đến căn phòng ấy thế nào cũng đầy ngập khói, củi lửa phí phạm, tiền bạc theo đó mà bị đốt cùng, và tiếp tục đi trong mưa. Tôi đi xuống trường Henri Đệ Tứ, ngang qua nhà thờ cổ St-Étienne du Mont và quảng trường Panthéon đầy gió rồi cắt ngang qua chỗ trú bên phải, luồn ra phía khuất gió trên đại lộ St-Michel, và tiếp tục đi xuống qua Cluny và chỗ giao với đại lộ St-Germain cho đến khi đến một quán rất được mà tôi biết nằm trên quảng trường St-Michel.
Đó là một quán ấm áp, nhẹ nhàng, sạch sẽ và thân thiện. Tôi treo chiếc áo khoác cũ mèm lên giá cho khô, để chiếc mũ rách bươm bạc phếch lên cái kệ phía trên băng ghế và gọi một tách café au lait (café sữa). Anh bồi đem café đến và tôi lấy cuốn sổ cùng cây bút chì trong túi áo ra và bắt đầu viết. Tôi viết về Michigan, và vì lúc này trời đầy gió và bắt đầu lạnh, đầy hoang dại nên ngày trong truyện đang viết cũng thế. Tôi đã trải qua bao ngày thu tàn của thời thơ ấu, thời niên thiếu, thời thanh niên, và thường thì ngồi một nơi khác viết lại những chuyện như thế sẽ hay hơn nhiều. Tôi nghĩ, đấy cũng như cách ta gieo trồng lại chính mình, nó cần cho con người cũng như cần cho bất cứ gì đang phát triển. Nhưng bọn trẻ trong truyện đang nhậu nhẹt say sưa khiến tôi cũng khát khô họng nên tôi gọi một rum St-James. Trong ngày lạnh này, mùi vị rượu thơm ngon lạ lùng. Tôi tiếp tục viết, thấy thật dễ chịu và cảm nhận được dòng rum Martinique hảo hạng ấm nóng chạy suốt qua cơ thể lẫn tinh thần.
Một thiếu nữ bước vào đến ngồi một mình ở cái bàn bên cửa sổ. Nàng rất đẹp, khuôn mặt tươi mát như đồng xu bạc mới toanh, loại đồng xu tráng lớp phủ mịn màng nước mưa không đậu lên được, tóc nàng đen nhánh màu cánh quạ, cắt gọn gàng chéo ngang bên má.
Tôi ngắm nàng và nàng làm xáo trộn sự bình yên trong tôi khiến tôi vô cùng phấn khích. Tôi ước gì có thể đưa nàng vào truyện, hay đưa nàng vào bất kỳ đâu nhưng nàng đã có có nơi có chốn để có thể ngồi ngắm được con đường lẫn lối vào và tôi biết nàng đang chờ ai đó nên tôi tiếp tục viết.
Câu chuyện cứ thế tuôn ra và tôi đuổi theo một cách chật vật. Tôi gọi thêm một rum St-James và ngắm nàng mỗi khi ngẩng lên hay mỗi khi dùng đầu chuốt để gọt bút, nhả vào đĩa lót ly những xoắn dăm bào.
Người đẹp ơi, ta gặp em, và lúc này em thuộc về ta, mặc cho em có đang chờ đợi ai kia hay ta sẽ không bao giờ còn gặp lại em nữa, tôi nghĩ vậy. Em thuộc về ta cũng như cả Paris này thuộc về ta, cũng như ta thuộc về quyển sổ và cây bút này.
Rồi tôi viết và càng viết tôi càng chìm đắm vào câu chuyện. Giờ thì tôi đang viết câu chuyện chứ không phải nó tự tuôn chảy nữa và tôi không ngẩng lên, không ý thức được thời gian, không biết mình đang ở đâu hay có gọi thêm ly rum St-James nào nữa không. Chưa cần nghĩ đến, tôi nghĩ mình cũng đã hết nhu cầu uống St-James. Rồi tôi cũng viết xong truyện và kiệt sức. Tôi đọc lại đoạn cuối, ngẩng lên tìm cô gái nhưng nàng không còn ở đó nữa. Hy vọng nàng gặp được người tử tế, tôi nghĩ. Nhưng tôi cảm thấy thật buồn.
Tôi gấp quyển sổ lại, cho cái truyện vào túi áo trong và gọi người phục vụ đem ra một tá hàu portu-gaise cùng nửa bình rượu trắng. Thường mỗi khi viết xong, bao giờ tôi cũng có cảm giác trống rỗng, pha lẫn muộn phiền và sung sướng, như thể vừa qua một cuộc mây mưa, và tôi biết chắc đây là một cái truyện rất hay dù không thật rõ nó hay đến mức nào cho đến khi đọc lại vào hôm sau.
Khi nhấm nháp món hàu sực mùi biển và tanh tanh mùi kim loại đã bị rượu trắng ướp lạnh đánh bạt đi, chỉ còn chừa lại mùi biển và vị thịt hàu ngọt mịn, và húp từng ngụm chất lỏng mát lạnh trong vỏ hàu đi cùng vị rượu tươi rói, cũng là lúc cảm giác trống rỗng tan biến và tôi bắt đầu vui vẻ hơn để lên các kế hoạch.
Giờ đã đến mùa thu của thời tiết xấu, chúng tôi có thể rời Paris một thời gian để đến một nơi nào đấy, nơi thay vì mưa sẽ là tuyết rơi từ những tán thông phủ những con đường và triền đồi cao, hay chúng tôi sẽ đến một miền cao nào đấy nơi mỗi tối đi về dưới chân lại kẽo kẹt tiếng băng. Dưới vùng Les Avants người ta có cho thuê một căn nhà gỗ rất tuyệt, ở đó, chúng tôi có thể đọc sách cùng nhau, đêm nằm bên nhau ấm áp trên giường, cửa sổ mở toang, và bên ngoài sao trời vằng vặc. Đó là nơi chúng tôi có thể đến. Đi tàu vé hạng ba cũng không đắt lắm. Tiền ở cũng rẻ hơn nhiều so với Paris.
Tôi sẽ trả phòng khách sạn dùng để ngồi viết và chỉ giữ lại căn phòng thuê bé tí ở 74 rue Cardinal Lemoine. Tôi viết bài cho tờ báo ở Toronto và nhuận bút đã đến kì được nhận. Tôi có thể viết ở bất kì đâu, bất kì lúc nào, và chúng tôi sẽ có tiền trang trải cho chuyến đi.
Có lẽ khi xa Paris tôi sẽ viết được về Paris cũng như ngồi ở Paris viết về Michigan. Tôi không biết như thế liệu có sớm quá không vì tôi cũng chưa hiểu hết được Paris. Nhưng lúc này, đó là cách tôi nhìn nhận sự việc. Dù sao thì chúng tôi cũng sẽ đi một khi vợ tôi muốn, và tôi giải quyết nốt món hàu chiêu với rượu và trả tiền rồi theo lối ngắn nhất lên Montagne St-Geneviève, tôi đi trong mưa, giờ đây đấy cũng chỉ là một kiểu thời tiết địa phương chứ không thể làm thay đổi được đời bạn, để về căn phòng nằm trên đỉnh đồi.
“Ý ấy thật tuyệt, Tarie,” vợ tôi nói. Khuôn mặt nàng thon nhẹ, mắt nàng và môi nàng cười sáng bừng như thể quyết định ấy là món quà quá đẹp, “Khi nào chúng ta sẽ đi?”
“Bất cứ khi nào em muốn.”
“Ôi, em muốn ngay bây giờ. Anh không biết sao?”
“Thời tiết có lẽ sẽ sáng sủa và đẹp hơn khi chúng ta quay về. Trời trong và lạnh bao giờ cũng đẹp.”
“Em cũng nghĩ thế,” nàng nói. “Mà anh thật tuyệt khi nghĩ ra chúng mình sẽ đi”.