Chương 1
Năm một ngàn chín trăm tám mươi, ở thành Tây kinh xảy ra một chuyện lạ. Có hai anh bạn chí thân, một hôm buồn quá mới đi tưởng niệm Đường Quý Phi Dương Ngọc Hoàn. Thấy nhiều khách du lịch ai cũng bốc theo một nắm đất mộ xách theo người, thắc mắc lắm, hỏi ra mới biết, Quý Phi là người đẹp tuyệt thế, lấy đất này rắc vào chậu hoa, hoa cũng sẽ tươi đẹp vô cùng. Hai anh bạn cũng bới rất nhiều, gói vào áo mang về, đựng vào một cái chậu sành đen cất giữ đã lâu năm, chờ có giống hoa tốt sẽ gieo hạt. Nào ngờ mấy ngày sau tự nhiên trong chậu hoa mọc lên một cái chồi xanh, chỉ trong một tháng đã biến thành một khóm cây tươi tốt. Nhưng cây này đặc biệt lắm, không ai biết là loài gì. Bê đến chùa Dựng Hoàng trong thành hỏi người thợ già trồng hoa, người thợ già cũng không biết. Vừa may có đại sư Trí Tường đi qua, liền xin ý kiến đại sư. Đại sư cũng lắc đầu. Một trong hai anh bạn lại hỏi: "Thường nghe Đại sư biết xem bói đoán số. Xin đại sư bói xem cây hoa này về sau nở mấy nhánh?". Đại sư bảo một anh khác nói ra một chữ, anh ấy đang cầm cái kéo của người trồng hoa trong tay, buột mồm nói ra chữ "Nhĩ". Đại sư bảo: "Hoa sẽ là hoa lạ, nở ra bốn nhánh, nhưng chẳng được bao lâu sẽ bị các anh làm hại". Quả nhiên về sau hoa nở bốn nhánh, nhưng hình dạng vừa tương tự mẫu đơn lại vừa tương tự hoa hồng. Hơn nữa có một nhánh nhuỵ màu đỏ, một nhánh nhuỵ màu vàng, một nhánh nhuỵ màu trắng một nhánh nhuỵ màu tim, đẹp vô cùng. Bỗng chốc tin đồn loan đi, ngày nào cũng có người nườm nượp kéo tới xem, không ai là không thốt lên khen ngợi. Hai anh bạn tự nhiên đắc ý, đặc biệt có một anh yêu qúy hoa hơn, bưng để lên bàn, đích thân chăm nom, bón phân tưới nước. Nào ngờ một hôm say rượu, nửa đêm tỉnh dậy chợt thấy nên đi tưới hoa, loắng quắng thế nào xuống nhà bếp xách nhầm ấm nước sôi, thế là cây hoa chết yểu. Anh bạn cứ hối hận mãi, tức mình đập vỡ chậu sành, lăn ra ốm một tháng không gượng dậy nổi.
Chuyện này tuy lạ nhưng xét cho cùng cũng chỉ là một chậu hoa mà thôi, số người biết cũng không đông, sau đấy không ai nhắc đến nữa. Nào ngờ sau mùa hè, thành Tây Kinh lại xảy ra một chuyện lạ lớn hơn, ai ai cũng được chứng kiến. Vào giữa trưa ngày mồng bảy tháng sáu âm lịch, đầu tiên mặt trời vẫn đang còn toả ánh sáng rực rỡ, cái hay của mặt trời là mặt trời vẫn đang chiếu sáng, mà con người thì quên mặt trời đang toả sáng, cho nên người Tây Kinh không ai nhìn lên mặt trời. Hình thế đường phố vẫn là hình thế trước đây. Người có chức sắc ngồi xe con thì ngồi xe con, người không có chức sắc nhưng hái ra tiền, không muốn chen xe ca, liền giơ tiền lên vẫy đi taxi. Giữa lúc ấy có nhân vật nào đó quan trọng thân chinh đến nơi này, mấy xe công an hộ tống mở đường, bóp còi inh ỏi, tất cả xe con, xe taxi, xe ca chở khách phải tránh sang một bên đi chậm lại, còn dòng sông dài xe đạp thì rối loạn đội hình. Chỉ có người đi bộ thì chỉ biết sải bước, anh nọ dẫm vào bóng anh kia, cái bóng đâu có đau có ngứa. Đột nhiên màu sắc cái bóng chuyển từ đậm sang nhạt, càng nhạt càng ngắn, rồi chợt biến mất. Con người không có cái bóng kéo theo thì hình như con người không còn là con người nữa, đưa tay sờ vào mông, sờ đến nỗi đực mặt ra nghi hoặc. Có người chợt nhìn lên trời liền reo to: "Ồ kìa, trên trời có bốn ông mặt trời!". Mọi người ngẩng hết đầu lên nhìn trời, quả nhiên trên đó có bốn ông mặt trời. Bốn ông mặt trời kích thước như nhau, không phân biệt rõ cũ mới, đực cái, cụm lại làm một, thành hình chữ Đinh. Trong kinh nghiệm trước kia, trên trời đã từng có trăng khuyết và nhật thực, song cùng một lúc có bốn mặt trời thì chưa thấy bao giờ, cứ tưởng mắt nhìn nhầm lại ngước mắt nhìn trời, mặt trời không còn đỏ nữa mà trắng bợt, trắng như màu trắng của tia hàn điện. Trắng giống như cái gì nhỉ? Cũng chẳng nhìn thấy cái gì hết. Hoàn toàn một màu đen. Con người không nhìn thấy cái gì. Con người sáng mắt hoàn toàn mà cũng không nhìn thấy gì ư? Xe to xe nhỏ không còn dám chạy nữa, chỉ bóp còi suông, còn con người thì bước giẫm lung tung, lơ mơ cảm thấy mình không ở trên đường phố, đang xem phim thì phải? Máy chiếu đột nhiên bị hỏng, hình trên màn bạc biến mất, mà tiếng nhạc còn đang vang. Một người cảm thấy như thế, mọi người cũng gần như cảm thấy như thế. Vậy là yên tĩnh hẳn xuống, yên tĩnh đến mức chết lặng đi, chỉ còn tiếng huyên một nhạc khí cổ xưa bằng đất hình quả trứng có sáu lỗ ai đó thổi trên tường thành còn muốn cất lên tiếng cuối cùng, song không cất lên nổi vì đã đứt hơi, giống như gió đập vào tường, tạt ngang biến mất. dường như mọi người coi khinh rẻ kẻ thổi huyên kia, cười khẩy một cái, chợt giật mình trở về với hiện thực đang sống, đồng thời bị sự yên tĩnh làm cho khiếp sợ, đã kêu ầm ĩ, đâu đâu cũng nháo nhào, lộn tùng phèo cả lên.
Hiện tượng quái dị này đã kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ, thì mặt trời trên không trung lại khôi phục chỉ còn có một ông. Khi mắt người ta đã nhìn rõ dần bóng mình trên mặt đất thì ai cũng trơ mắt nhìn nhau, sau đó đã xấu hổ vì sự nhếch nhác, liền hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Bỗng chốc loài người rối tinh rối mù như kiến vỡ tổ song chẳng thấy bóng cảnh sát giao thông đâu cả. Trên hòn đảo an toàn có ông già ngồi nhởn nhơ một mình. Ông già đầu bù tóc rối, mặt mày nhọ nhem song đôi mày thì rất dài, đang lạnh lùng nhìn mọi người hối hả qua lại. Ánh mắt của ông khiến ai nấy có phần nào không chịu nổi, cuối cùng điên tiết lên quát gọi: "Cảnh sát đâu nhỉ? Cảnh sát đâu rồi? " Người cảnh sát họ Tô, vừa chạy vừa đội mũ két pi lên đầu cứ mắng ông già là kẻ ăn xin bằng tiếng "Pi". Tiếng "Pi" là tiếng địa phương thô tục nhất trong thành Tây Kinh chửi "Cút đi". Ông già nghe chửi đưa ngón tay viết lên đảo an toàn một từ thời cổ xưa lại rất nho nhã, âm đọc là "pỷ" song chữ là "ty", có nghĩa tránh. Ông thư thả mỉm cười. Tiếp theo ai nấy cười rộ hẳn lên. Bởi vì khi ông già bước xuống khỏi đảo an toàn để lộ bộ quần áo mặc trên người vốn được may bằng những bức gấm của khách hành hương tặng chùa Dựng Hoàng. Trước ngực in hai chữ "Có cầu", hai chân dạng ra, chỗ đũng quần là những đường mũi kim thô xù xì kéo dài cho đến tận lưng. Trên mông bên trái là chữ "tất", bên phải là chữ "ứng". Ông già không tỏ ra xấu hổ, mà xuất khẩu thành chương, đọc vanh vách một bài vè. Bài vè này sau đó lan truyền cả thành phố. Bài vè đó như sau:
Công dân loại một làm đầy tớ
Gác tiá lầu son sướng như tiên.
Công dân loại hai làm quan phe
Đầu cơ buôn lậu có ô che.
Công dân loại ba làm thầu khoán
Chơi bời cờ bạc ăn uống đã có nơi thanh toán.
Công dân loại bốn chuyên cho thuê
Ngồi nhà rung đùi thu bạc tỉ.
Công dân loại năm đội mũ kê pi
Ăn cả bên nguyên lẫn bên cáo.
Công dân loại sáu thầy thuốc cầm dao
Phong bì quà biếu đầy hầu bao.
Công dân loại bảy làm diễn viên
Ngoáy mông dướn eo cũng ra tiền.
Công dân loại tám làm tuyên truyền
Dăm ba hôm một bữa giải cơn thèm.
Công dân loại chín làm giáo viên
Sơn hào hải vị nào có biết hết tên.
Công dân loại mười chủ nhân ông
Chân chỉ hạt bột loại Lôi Phong.
Bài vè này sau khi lan truyền đi, có người phân tích ông già này không phải là kẻ ăn mày, hay nói cách khác, ít nhất ông cũng làm giáo viên. Bởi chỉ có thầy giáo mới soạn được những lời vè như vậy. Hơn nữa, lời vè đều tỏ ra chỉ trích đối với mấy loại người trước, chỉ có loại người giáo viên là được kêu khổ kêu oan. Nhưng xét cho cùng ông già là loại người gì thì không ai hỏi cho ra nhẽ. Trong năm ấy, thành Tây Kinh vừa bổ nhiệm một thị trưởng mới, vị thị trưởng này quê ở gốc Thượng Hải, phu nhân lại là người địa phương Tây Kinh. Mười mấy năm qua, mỗi nhiệm kỳ thị trưởng Tây Kinh, ông nào cũng có lòng lập công lập nghiệp ở thành cổ này. Nhưng hầu hết đều làm đi làm lại, quanh quẩn như con kiến leo ra leo vào trên cành đào, không sao nhúc nhích khởi sắc lên được, liền rời khỏi dinh lũy thép ra đi một cách êm ru. Ông thị trưởng mới này tuy không vui vẻ nhận chức trước cổng nhà bố vợ, khổ một nỗi đã dấn thân vào con đường làm quan, hoàn toàn do người ta sắp đặt, sau khi nhận nhiệm vụ, lúng ta lúng túng không biết xoay sở thế nào, bắt đầu hành động từ đâu. Phu nhân thuộc diện nội trợ giỏi giang, liền triệu tập nhiều bạn bè thân thích tham mưu cố vấn cho chồng, thế là có một người trẻ tuổi tên là Hoàng Đức Phúc, nêu ra một đề nghị: Tây Kinh là cố đô của mười hai triều đại, văn hoá lắng đọng sâu dầy, vừa là vốn liếng vừa là gánh nặng, tư duy của dân chúng và cán bộ các tầng lớp có khuynh hướng bảo thủ, cho nên kinh tế lâu nay phát triển thua xa so với các tỉnh thành ven biển, nếu cứ như các thị trưởng nhiệm kỳ trước mặt nào cũng nắm, thì thường bởi xí nghiệp già cỗi, xây dựng thành phố nợ nần chồng chất, bỏ ra mười phần công sức mà hiệu quả thu được ba phần, hơn nữa nhiệm kỳ bây giờ thường là ba năm hoặc năm năm sẽ điều đi, quy hoạch lâu dài khó hình thành mà nhân sự lại thay đổi. Đã như vậy thì thà rằng cứ nắm những nghề mà người khác không ham, ví dụ phát triển văn hoá và du lịch. Chỉ trong thời gian ngắn là đã có thành tích chính trị. Thị trưởng được gợi mở lớn, không ngại hỏi tiếp, đã mời người trẻ tuổi ấy đến nói chuyện, ba ngày ba đêm, lại điều anh ta khỏi trường học cũ về trụ sở uỷ ban thị làm thư ký riêng. Ngay tức khắc lên kinh đô xin kinh phí, xuống cơ sở kêu gọi góp vốn ở khắp nơi, dóng dựng một sự nghiệp to lớn ngàn năm bất hủ, tức là sửa sang lại thành Tây Kinh, khai thông con sông trong thành, xây khu vui chơi giàu màu sắc địa phương dọc theo bờ sông. Còn xây lại ba đường phố lớn, một đường xây theo kiểu kiến trúc đời Đường, chuyên bán tranh vẽ, chữ viết và đồ gốm, một đường phố xây theo kiến trúc đời Tống, chuyên kinh doanh các món ăn vặt dân gian của thành phố cho đến cả tỉnh, một đường phố xây theo kiến trúc đời Minh, đời Thanh, tập trung tất cả công nghệ phẩm dân gian và đặc sản địa phương. Nhưng ra sức phát triển nghề văn hoá ở thành thị, đã làm cho số người lưu động ở thành phố tăng vọt, đã xuất hiện nhiều tệ nạn trên lãnh vực trật tự trị an. Trong giây lát thành Tây Kinh bị người nơi khác gọi là thành trộm cắp, thành nghiện hút, thành ở lậu…Dân thành phố cũng bắt đầu nảy sinh tư tưởng bất mãn. Khi ông già đầu bù tóc rối mặt mũi nhọ nhem lại đọc bài vè trên đường phố, thì lúc nào cũng có một tốp những kẻ ăn không ngồi rồi nhũng nhẵng bám theo sau, hò hét: "Đọc lại đi! Đọc nữa đi!". Ông già liền nói hai câu:
- Bảo anh được, anh sẽ được, không được cũng được. Bảo không được sẽ không được, có được cũng không được.
Bọn vô công rồi nghề nghe xong đồng loạt vỗ tay. Ông già không nói câu vè này ám chỉ người nào, xong bọn vô công rồi nghề lại suy bụng ta ra bụng người, câu vè lại loan truyền nhanh như gió. Chẳng bao lâu câu vè lọt đến tai của Hoàng Đức Phúc, liền gọi điện thoại cho cục Công an, nói ông già gieo rắc tin đồn nhảm về thị trưởng, cần phải ngăn chặn. Cục Công an đã bắt giữ ông già, tra hỏi ra mới biết, thì ra một tên lưu manh đi kiện đã hơn mười năm nay.
Thế nào là lưu manh đi kiện?
Bởi vì hơn mười năm trước, người này là giáo viên dân lập, khi xét chuyển thành giáo viên nhà nước thì bị cấp trên trù dập không chuyển được, liền lên Uỷ ban tỉnh kêu oan, vẫn không thành công. Thế là ở hẳn Tây Kinh, cứ dăm ba ngày lại đến cổng Uỷ ban thưa kiện, đưa đơn biểu tình ngồi, lâu dần muốn vào không có lối, muốn rút không bậc thang, đâm ra bị tâm thần. Sau đó thôi chẳng kiện tụng nữa, cũng không về làng, liền lang thang trên hè phố. Cục Công an đã bắt hỏi mười ngày, tra xét không có tội nên thả ra, lấy xe chở ra khỏi thành phố ba trăm dặm rồi thả xuống. Nào ngờ được vài hôm lại thấy ông già trên đường phố. Song ông già đã kéo chiếc xe cải tiến cọc cạch len lỏi trong các phố bới nhặt đồng nát. Đám người vô công rồi nghề tự nhiên cứ bám theo, sai bảo ông lại đọc ca dao hò vè. Ông già bây giờ đã ki bo miệng lưỡi, chỉ rao rất cao rất dài: "Đồng nát nào! Nhận khoán đồng nát nào!", tiếng rao này vang trong ngõ phố ngày hai buổi sớm tối, cũng thường có người thổi huyên trên tường thành. Một người kêu như sói gầm, một kẻ rên như ma khóc, hai bên đối đáp nhau, hàng ngàn con chim trên lầu chuông gác trong cứ huyên náo ỏm tỏi cả lên.