Chương 1

Leah nhìn qua khe hở giữa hai tấm rèm để nhìn ngôi nhà đối diện bên đường.

Tách biệt với hàng xóm láng giềng cả bởi vị trí và diện mạo, số 31 đường Thợ Bạc là một ngôi nhà kỳ dị đứng lẻ loi. Ngôi nhà ba tầng được cặp vợ chồng người thợ bạc về hưu xây cách đây một trăm năm mươi năm trên một mảnh đất được họ chọn lựa bởi từ đó có thể thưởng ngoạn toàn bộ quang cảnh nông thôn vùng Hertfordshire. Để tận hưởng cảnh quan, họ đã đặt làm một hàng hiên bằng sắt uốn cầu kỳ bao lấy toàn bộ tầng một của ngôi nhà. Ngày nay, ai đó ngồi ở hiên nhà chả còn thưởng thức được gì hơn ngoài mấy khoảnh vườn của những ngôi nhà nông thôn tầm thường thời Victoria ngay đối diện, và tiếp sau đó là mấy tầng phía trên của ba khối nhà cao tầng thô thiển, mọc lên giữa hoang dại của vùng Enfield.

Vợ chồng người thợ bạc, một cặp lập dị, đã chọn trang trí phía ngoài căn nhà bằng những thứ gạch men màu sắc rực rỡ mà họ thu thập ở các chợ trời trong những chuyến du lịch khắp nơi trên thế giới. Hai bên cửa chính có ốp gạch trang trí hình chim công, và vì vậy ngôi nhà được dân địa phương gọi một cách không chính thức là Nhà Chim Công. Thực tế là, để mô tả cho mọi người biết chính xác cô sống ở đâu tại East Finchley, Leah thường nói rằng - bạn biết đấy, ngay đối diện với Nhà Chim Công.

Ban đêm, khi sáng đèn, trông ngôi nhà hấp dẫn hơn. Nó khiến Leah nhớ tới cây đèn gốm trong phòng ngủ của mình khi cô còn nhỏ. Cây đèn hình nấm có trổ cửa sổ và cửa ra vào với những hình người bằng sứ sống bên trong. Cô thường ước ao được sống trong ngôi nhà nhỏ hình cây nấm ấy, thật tiện nghi, ấm cúng và an toàn. Nhà Chim Công cũng gợi cho cô cảm giác như vậy. Ngôi nhà thật mời gọi với những tấm kính màu và gạch men trang trí, những cây đèn lồng, mái đầu hồi và những con sư tử sứt mũi bằng xi măng.

Trong lúc cô đang ngắm nhìn, cửa chính ngôi nhà bỗng mở ra, và Cô gái với Đàn Guitar xuất hiện. Cô và Amitabh đã đặt biệt hiệu cho tất cả mọi người sống ở Nhà Chim Công. Ngoài Cô gái với Đàn Guitar còn có Ông Lão Gầy, Chàng Gầy, Thiếu niên, Tiếp viên và Sybil (gọi như vậy bởi cô ta thay hình đổi dạng thường xuyên và khác biệt đến nỗi Leah và Amitabh tin chắc rằng cô ta bị mắc chứng rối loạn đa nhân cách). Cô gái với Đàn Guitar dừng lại ở bậc thềm cuối cùng và châm thuốc lá. Sau đó cô ta vén mớ tóc đen ra sau tai, khoác hộp đàn lên vai và rẽ về tay trái, theo hướng High Road, hai gót bốt nhọn hoắt tạo nên những âm thanh kim khí chói tai theo bước chân cô.

Chàng Gầy nhìn theo cô ta, đêm nào cũng vậy, từ cửa sổ tầng hai. Khuôn mặt anh ta được ánh sáng từ màn hình máy tính chiếu rọi như mọi khi. Và trên khuôn mặt ấy, muôn thuở, là dáng vẻ của kẻ bị phụ bạc âm thầm. Anh ta có vẻ bề ngoài kỳ lạ, không phải là không hấp dẫn, nhưng dường như bị cố tình làm cho xấu nhất có thể. Tóc anh ta là một mớ những lọn xoăn không kiểm soát được, gần như tóc của người châu Phi. Và anh ta có hai bên tóc mai rậm rạp nối liền với ria mép chĩa ra ở hai bên má anh ta như thể cánh thiên thần. Hiếm khi anh ta rời khỏi máy tính và có lẽ Leah đã nhìn thấy anh ta ra khỏi nhà cả thảy năm lần kể từ khi cô dọn đến Đường Thợ Bạc.

Leah chẳng biết ai vào với ai ở ngôi nhà đối diện bên đường. Cô không biết tên tuổi cũng chẳng biết quan hệ của họ. Cô cũng không biết ai là chủ ngôi nhà và tình cảnh của họ ra sao. Có phải ngôi nhà được chia thành những căn phòng trọ riêng biệt? Hay họ cùng thuê chung ngôi nhà? Có phải họ là thành viên của một gia đình kỳ lạ? Cô đã sống ở đối diện Nhà Chim Công từ gần ba năm nay, nhưng cô chưa bao giờ trò chuyện với bất kỳ ai sống trong ngôi nhà ấy. Thậm chí cũng chưa bao giờ gật đầu hay mỉm cười chào nhau. Leah là người có bản tính tò mò. Cô thích được biết cái gì là cái gì, ai là ai, mọi thứ ra sao và kết hợp với nhau thế nào.Nhưng cô cũng là một thị dân London tôn trọng không gian riêng của người khác, và biết mình biết người. Bởi thế cô ngồi đây mà nhìn, mà tự hỏi, mà chờ, bởi cô biết một ngày nào đó, bằng cách nào đó, cô sẽ tìm ra cách để trả lời mọi câu hỏi của mình.

Mười lăm năm trước

Mùng 1 tháng 8 năm 1990

Toby,

Sáng mai Jemma và ta sẽ đi Cape Town. Xin lỗi vì bọn ta đã bỏ lỡ đám cưới của con tuần trước, nhưng ta nghĩ là con thông cảm cho ta.

Ta gửi kèm theo đây một chùm chìa khóa. Ta mua cho con và Karen một ngôi nhà làm quà cưới. Peter đã mua được nó trong một cuộc đấu giá. Ta cũng chưa nhìn thấy ngôi nhà nhưng Peter đảm bảo với ta rằng đây là một món hời. Cần phải sửa sang lại đôi chút nhưng kết cấu của ngôi nhà còn ổn cả. Thế cũng vừa hay bởi ngôi nhà cũng chính là món thừa kế của con. Ta nghĩ tốt nhất là con có cái gì đó trong tay bây giờ; bởi trong tương lai ta sẽ sống ở nước ngoài và, một khi Jemma và ta bắt đầu một gia đình mới, chuyện ai hưởng gì sẽ trở nên phức tạp. Như thế này đơn giản hơn nhiều.

Bất động sản đang là mốt đấy, Toby. Con đã ở trên bậc thang đầu tiên rồi đó. Ta có thể thấy khối thứ quan trọng đang diễn ra ở thị trường bất động sản London. Hãy tận dụng tối đa cơ hội đi.

Peter nói là còn đôi chút khúc mắc. Ngôi nhà có một khách thuê vĩnh viễn. Ta chắc là Peter có thể bày cách cho con để giải quyết khách thuê này. Ta gửi kèm đây danh thiếp của Peter, nếu con cần ông ta giúp đỡ.

Chúc con và Karen một ngày thứ Bảy tốt lành. Jemma và ta sẽ nâng một ly champagne mừng sức khỏe các con khi hoàng hôn buông xuống trên vịnh Camps.

Ta cho là chẳng còn gì nhiều để mà nói ngoài việc chúc con may mắn.

Reggie/Bố

Vào tháng Tám năm 1990, Reggie Dobbs đã đi đến một kết luận cay đắng rằng việc nuôi dạy đứa con trai duy nhất là sự lãng phí hoàn toàn cả về thời gian, tiền bạc và t*ng trùng của ông. Ông vẫn còn giật bắn cả mình mỗi khi nhớ lại việc mang thai cái thằng bé khổng lồ này đã ảnh hưởng thế nào đến thân hình trẻ trung, rắn chắc của cô vợ đầu và không thể nào tha thứ được cho thằng bé vì việc đó. Đứa trẻ sơ sinh to lớn ấy đã tiếp tục lớn lên với một tốc độ kinh khủng, lúc mười ba tuổi đã cao tới một mét chín và gầy như cây sậy, vô tích sự trong thể thao, mặt đầy mụn, trông chẳng đẹp đẽ tí nào. Toby rất tiếc chỉ thừa hưởng chiều cao chứ không phải nhan sắc của bà mẹ người mẫu. Thật đáng sợ khi phải nghển cổ lên để rồi bắt gặp ánh nhìn không tình cảm của thằng con trai to xác, bóng dáng của nó trùm lên ông như một con chim săn mồi ngoại cỡ.

Họ gửi thằng bé vào trường nội trú khi nó được năm tuổi và cố gắng có thêm con, nhưng không thể. Rồi thì Angela qua đời, để lại Reggie tắc tị với thằng con trai duy nhất, một thằng vô tích sự hoàn toàn tự xưng là “nhà thơ”. Reggie bảo, “Nhà thơ?! Đội cái mũ ấy trông anh giống cái ấm trà thì có!” Nhưng chẳng hiểu sao, bằng một sự may mắn không ngờ nào đó, cái thằng con trai kỳ lạ ấy đã tìm được cho mình một người đàn bà - một người đàn bà sẵn sàng lấy nó làm chồng. Chẳng phải là một người đàn bà đẹp, nhưng cũng đủ để Toby cảm tạ trời đất lắm rồi.

Ông muốn cho đôi trẻ một cái gì đó, bởi ông sẽ không còn là một phần trong cuộc sống của chúng nữa, nên ông đã ngồi với kế toán của mình và kết luận rằng con trai ông đáng giá 75.000 bảng, 3.000 bảng cho mỗi năm cuộc đời. Ông giao số tiền đó cho tay môi giới bất động sản và bảo anh ta tìm ra thứ gì tốt nhất có thể trong cuộc đấu giá.

Và sau đó ông cùng cô vợ thứ ba bước vào khoang hạng nhất của chiếc 747, bay đi Cape Town, nơi một tay môi giới bất động sản khác đang chờ họ với chùm chìa khóa của một căn penthouse nhìn ra Đại Tây Dương. Reggie không để lại cho Toby địa chỉ liên lạc hay số điện thoại, ông chỉ lẳng lặng biến đi.

Thảng đôi khi Reggie cũng nghĩ đến Toby, nhất là sau khi có thêm con. Ông tự hỏi không biết Toby và Karen có con cái gì không và ông đã lên chức ông nội chưa. Ông tự hỏi không biết Toby có hạnh phúc, không biết Toby có sống được bằng mấy bài thơ bần cùng hay đã trưởng thành và biết chịu trách nhiệm về mình. Ông hoài nghi lắm về điều đó. Nhưng phần lớn thời gian ông chẳng nghĩ ngợi gì về Toby sất. Phần lớn thời gian Reggie uống vodka, ăn đồ ăn giàu dưỡng chất, lẩn tránh gia đình mình và tự hỏi bao giờ mình sẽ chết.

Mùng 2 tháng 9 năm 1990

Toby,

Hỏng rồi. Hôn nhân không phải như em nghĩ. Em đã trông đợi nhiều hơn chứ không phải chỉ có anh, em và một ông già hôi hám loanh quanh trong căn nhà lớn và ẩm ướt mà chẳng có lấy một xu. Em nghĩ là em đã nhận ra rằng em không yêu anh đủ nhiều để sống với anh trong túng thiếu. Em đã tưởng là em yêu anh nhiều lắm, nhưng hóa ra không phải. Em xin lỗi em đã không nhận ra điều ấy sớm hơn, nhưng em nghĩ cũng cần phải có một hành động kịch tính như kết hôn với anh để em có thể loại ra khỏi đầu mình cái quan điểm ngốc nghếch và lãng mạn quá mức về anh.

Anh là một người đàn ông tốt, Toby ạ, nhưng đối với em anh chưa đủ. Đừng ghét em nhé.

Karen xx

Một căn phòng của riêng mình?

Một nhà thơ ở Finchley, sống cô độc ngoài dự kiến trong một ngôi nhà lớn kiểu Victoria, có bốn phòng ngủ trống cần cho thuê. Dùng chung bếp và các phòng tắm.

Giá thuê thỏa thuận nhưng hợp lý.

Ưu tiên nghệ sĩ, diễn viên.

Hãy hồi đáp cho tôi và nói rõ tại sao bạn cần sống ở đây.

Tháng Mười một năm 1990

Nhà thơ Cô đơn thân mến,

Em tên là Ruby Lewis, mười sáu tuổi và em là ca sĩ. Tuần trước mẹ đã đuổi em ra khỏi nhà vì gã chồng xấu xí của mẹ cứ không thôi đánh đập em. Hình như lỗi tại em thì phải. Hiện nay em đang sống cùng với một người đàn ông. Anh ta ba mươi hai tuổi và cứ nghĩ là em đã hai mươi. Em không thích anh ta lắm nhưng anh ta lại sống ở Camden, thật tuyệt. Dù sao đi nữa, em thực sự muốn đến sống trong ngôi nhà của anh bởi mọi thứ có vẻ thật là tuyệt và anh có vẻ rất tuyệt và cũng bởi vì em không thể trang trải được tiền thuê nhà một cách đúng nghĩa. Một ngày nào đó, em sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới và rồi em sẽ mua đền anh một chiếc xe Lamborghini. Hãy làm ơn cho em đến sống ở chỗ anh nhé. Anh sẽ không phải hối tiếc đâu.

Thân mến,

Ruby xxxx

Tháng Tư năm 2002

Thưa ông,

Tên tôi là Joanne Fish và tôi là một diễn viên. Tôi ba mươi mốt tuổi, độc thân và hiện đang sống ở New Cross. Tôi không có kinh nghiệm lắm về việc thuê nhà chung. Nhưng tôi bị lôi cuốn bởi quảng cáo của ông vì hiện tại tôi đang ở một thời điểm lý thú và bất ngờ trong cuộc đời, một ngã ba đường. Quảng cáo của ông đập vào mắt tôi như thể một tấm biển hiệu bằng đèn neon trên một con đường dài dằng dặc và quanh co. Tôi nhận thức được rằng ông hẳn phải nhận được cả ngàn bức thư phúc đáp và nhiệm vụ của tôi là thể hiện mình thú vị ra sao và đang có nhu cầu đến thế nào so với chín trăm chín mươi chín người còn lại, vậy nên tôi phải cố gắng hết mức có thể.

Tôi đã có một cuộc đời lý thú. Tôi đã từng sống ở nước ngoài cũng như nhiều nơi ở trên đất nước này, trong đó có Luton (!) và Đảo Man. Tôi đã kinh qua nhiều công việc khác nhau, từ công việc tuyệt nhất cho đến công việc vớ vẩn nhất. Có lần tôi đã trải qua cả mùa hè để gắn mắt lên những quả bóng bằng bông trong một nhà máy sản xuất thú bông quảng cáo. Tôi cũng đã từng dành cả một mùa hè hỗ trợ cho một diễn viên nổi tiếng tập vai diễn trong khi cô ấy đang bị mắc chứng bệnh mất trí nhớ nhẹ. Tôi không phải loại người ưa sống bầy đàn, nhưng tôi cũng thích sự hiện diện của người khác và chính vì thế mà ngôi nhà của ông rất hấp dẫn tôi. Căn hộ của tôi cách âm quá tốt và sống một mình làm tôi đôi khi nhớ những âm thanh của sự tồn tại.

Hiện tôi đang làm nghiên cứu cho một vai diễn trong một bộ phim sẽ bấm máy vào cuối năm nay. Đó là một vai nhỏ nhưng quan trọng và đạo diễn là một người rất nổi tiếng. Rất tiếc là dự án này còn đang trong vòng bí mật nên tôi không thể đưa ra thêm thông tin nào khác. Điều ấy có nghĩa là tôi sẽ không có thu nhập thường xuyên cho đến khi bộ phim bắt đầu bấm máy (mặc dù đôi khi tôi sẽ nhận làm các công việc tạm thời). Chính vì vậy khả năng được thanh toán tiền thuê nhà trên cơ sở linh hoạt đến thật không thể nào đúng lúc hơn.

Tôi cũng là một người sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự và không hút thuốc.

Tôi mong nhận được hồi âm của ông.

Kính thư, với lòng tin tưởng,

Joanne Elisabeth Fish.

Tháng Hai 2004

Ông/Bà thân mến,

Tôi phải thú thực là thường thì tôi không đọc Private Eye nhưng ai đó đã bỏ nó lại trong toa lét ở cơ quan nên tôi nghĩ là tôi sẽ xem lướt qua một chút và quảng cáo của ông/bà đã lọt vào mắt tôi. Không phải cho tôi đâu, ông/bà biết không, vì tôi đã có vợ, ba con và một căn nhà ở Hainault, mà là cho một người bạn của tôi, tên cậu ấy là Con.

Con làm việc với tôi ở Condé Nast[1]. ([1] Nhà xuất bản Mỹ chuyên về các ấn bản tạp chí về phong cách sống trong đó có Vanity Fair, Vogue, GQ, Architectural Digest, Bon Appétit...) Cậu ấy làm trợ lý cho phòng thư tín ở đây, từ khoảng một năm nay. Cậu ấy tử tế, hơi cô độc nhưng đáng tin cậy. Cậu ấy chưa bao giờ nghỉ lấy một ngày. Cậu còn rất trẻ, tôi nghĩ độ mười tám tuổi, và chuyện là mẹ cậu đã chuồn đi Thổ Nhĩ Kỳ và bỏ cậu lại một mình. Bà ngoại đã nuôi dạy cậu ấy lớn khôn và khi bà mất thì mẹ cậu quay trở về, hứa hẹn đủ điều, thuê một căn hộ xa hoa cho hai bọn họ ở, để rồi hai tháng sau bà ta lại mất tăm. Khổ thân, cậu ấy chẳng thể nào kham nổi tiền thuê nhà nên phải dọn ra ngoài, đã một tuần nay. Tôi nghĩ là cậu ấy cũng tá túc mấy hôm ở nhà bạn gái, nhưng rồi cô ta cũng đuổi cậu ấy ra nốt. Tôi không rõ bây giờ cậu ấy ở đâu nữa nhưng không thể không nhận thấy rằng trông cậu ấy chẳng được chỉnh tề như mọi khi. Và bắt đầu có cái mùi, ông/bà biết đấy, cái mùi bụi bặm. Tôi đoán là cậu ấy ngủ vạ ngủ vật. Cậu ấy xem báo, tìm quảng cáo cho thuê phòng trọ nhưng với mức lương ở đây, cậu ấy chẳng thể nào thuê được một chỗ tử tế. Tôi cũng đã thử thuyết phục cậu ấy về nhà tôi ở nhưng cậu ấy quá kiêu hãnh để chấp thuận, và, thực tình mà nói, đằng nào thì chỗ chúng tôi cũng chẳng có phòng cho cậu ấy đâu.

Tôi biết trong quảng cáo có nhắc đến những người làm nghệ thuật, sáng tạo và Con thì không phải là người như vậy, nhưng cậu ấy còn trẻ, mới bước vào đời và đây là thời điểm trong cuộc sống có thể khiến cậu ấy nên người hay hỏng. Khi trạc tuổi cậu ấy, tôi giao du với đám bạn xấu, chơi thuốc, đua xe, đánh lộn, đại loại thế. May cho tôi là đã gặp được Chrissie và phải lòng cô ấy. Cô ấy đã chỉ cho tôi con đường đúng đắn hơn để thành người, ông/bà biết không? Cô ấy đã cứu vớt tôi.

Có lẽ ông/bà cũng sẽ cứu vớt được Con.

Mong ông/bà xem xét cho thấu đáo, hợp tình.

Kính thư,

Nigel Cadwallader

Tháng Chín năm 2004

Toby thân mến,

Rất vui được gặp anh tối hôm trước. Tôi chỉ muốn cám ơn anh một lần nữa vì những gì anh đã làm cho Con. Tôi rất sợ phải nghĩ đến những gì có thể xảy ra với Con nếu như anh đã không cưu mang nó và cho nó một chỗ trú ngụ. Anh thật là tốt.

Tôi viết thư cho anh vì hiện tại tôi đang gặp một chút khó khăn.

Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết. Chỉ biết rằng tôi cũng sắp trở thành người vô gia cư, chưa kể đến chuyện thất nghiệp, trừ phi tôi tìm được một nơi để tá túc. Con bảo rằng nó vui lòng để tôi đến ở cùng phòng với nó nhưng cũng nói là tôi phải viết cho anh, một cách chính thức. Bởi anh thích làm mọi chuyện một cách đúng đắn, và tôi tôn trọng điều đó. Vậy liệu anh có đồng ý để tôi đến ở cùng với Con một thời gian không? Tôi sẽ trả tiền trọ cho anh và chắc cũng chỉ ở đó khoảng vài tuần thôi, cho tới lúc tôi ổn định hẳn ở quê hương và tìm được một công việc.

Lúc này tôi thực sự cần được ở bên Con, sau tất cả những gì đã xảy ra với nó khi tôi bỏ ra nước ngoài. Tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi và tôi cần phải bù đắp cho nó thật nhiều. Tôi sẽ nợ anh mãi mãi nếu như anh cho phép tôi được ở bên Con một thời gian trong ngôi nhà đẹp đẽ của anh.

Trân trọng,

Melinda McNulty

Các buổi sáng sớm là thời gian duy nhất Toby cảm thấy ngôi nhà thuộc về mình. Mọi người đều còn đang ngủ. Không có chuyện ai đó sắp tra khóa vào cửa, tiếng bước chân xuống cầu thang, hay những giọng nói vọng qua các bức tường. Chỉ có anh, trong bộ pyjama, rây bột vào chậu, đều đặn gõ cái rây bột vào lòng bàn tay.

Sáng nào Toby cũng làm bánh mì. Đó là một nghi thức, một điều mà Karen từng làm mỗi ngày khi họ còn ở bên nhau. Buổi sáng đầu tiên sau khi cô bỏ đi, anh đã đi xuống bếp và ngay lập tức bắt đầu nhào bột, cố gắng một cách tuyệt vọng tái tạo hình ảnh cuộc hôn nhân thất bại của họ. Anh thậm chí còn chẳng động đến chúng, chỉ để chúng nguội dần trên khay hàng ngày cho các khách trọ của anh thưởng thức.

Toby ngủ kém và cảm giác sầu muộn cố hữu của anh được phủ thêm một lớp dày mỏi mệt. Còn ba ngày nữa là bước sang năm mới và cuộc sống như đã đóng đinh đâu vào đó rồi. Anh vẫn mắc kẹt trong ngôi nhà như cái lăng mộ này, vây quanh bởi những người anh không biết và không muốn biết. Anh vẫn còn kết hôn với một người phụ nữ mà anh không còn gặp nữa từ hồi anh mới hai lăm tuổi. Anh vẫn là một nhà thơ chưa bao giờ ra nổi một tập thơ và anh vẫn chẳng có lấy một xu.

Một chồng hóa đơn nằm trên bàn làm việc của anh trên gác, chưa mở và chưa thanh toán. Bên cạnh chồng hóa đơn là một chồng thư từ chối của các nhà xuất bản và các đại diện văn chương. Và bên cạnh đó là một lá thư của công ty môi giới nhà đất thông báo với anh rằng, dường như, thiên hạ đang xếp hàng dưới phố, chờ mua cho được một ngôi nhà như của anh, kèm theo thư là các ví dụ minh họa một số ngôi nhà mà công ty đã bán gần đây với giá tiền nghe phi lý. Mặc dù Toby rất cảm kích là họ đã thông báo cho anh một thực tế như vậy, nó chẳng có ích gì cho anh. Ngôi nhà của anh đầy những người không có ý định chuyển đi và anh cũng không hề có ý định buộc họ làm như thế.

Toby đã nhào xong bột, nhồi nó vào khuôn thiếc và đẩy vào trong cái lò nướng hiệu Aga. Anh có thể nghe thấy âm thanh đều đều của chiếc radio báo thức của ai đó vang lên trên gác và anh vội vã đi về phòng của mình, trước khi lỡ bắt gặp ai đó. Anh liếc nhìn các đồ vật khi đi băng qua căn nhà. Đôi giày thể thao của Con nằm dưới bàn sofa trong phòng TV, đôi tất cuộn tròn trong giày như hai con chó đang ngủ. Ấn bản Now nằm trên tay ghế sofa và một nửa cốc trà lõng bõng nằm trên sàn. Chiếc áo khoác đăng ten đen của Ruby vắt trên lưng ghế bành và phấn phủ hiệu Clarins của Joanne nằm trong một hộp nhựa nhỏ trên bàn nước cạnh bát đựng ngũ cốc của Ruby. Một cây thông Noel nhỏ bằng nhựa với đầu lá phát sáng nhiều màu, nhấp nháy tuyệt vọng trong ánh sáng ban mai. Đôi bốt nhọn của Ruby nằm trên sàn nhà, chiếc đứng, chiếc nằm như thể đồ say rượu. Toby nhặt một chiếc bốt lên và nhìn nó đầy lưu luyến.

Đây là thế giới của anh, đã bao năm qua. Một thế giới thuộc về sở hữu, nhịp điệu, kịch tính mùi vị và thói quen của những người khác. Sự hiện diện của anh không để lại dấu ấn gì trong sự vận động của ngôi nhà. Cứ như thể anh không tồn tại. Sống một mình thì sẽ ra sao nhỉ, anh tự hỏi, trở về nhà và thấy mọi sự vẫn y nguyên như trước khi đi? Không bao giờ phải lấy một cái xoong chưa rửa ra khỏi bồn để có thể lấy cho mình một cốc nước uống, không bao giờ bị đánh thức bởi tiếng ngáy của ai đó hoặc tiếng động của một ai đó đang làm tình? Biết một ai theo cách họ muốn thể hiện bản thân với thế giới chứ không phải nhìn thấy cái bụng bèo nhèo của người lạ khi họ ở nhà. Liệu như thế thì có đáng kể gì hơn không nhỉ? Liệu anh có cảm thấy mình sống động hơn chăng?

Anh leo hai bậc, đôi khi ba bậc thang để đi về phòng mình, và nhẹ nhàng đóng cửa lại sau lưng.