Chương 1: Hoành khóa Côn Lôn lai tuyệt vực
Chẩm mê đà thất phạ Côn Lôn, huyệt xử sào cư hà túc luận.
Thủ bả hắc văn đằng trúc chi, Linh Sơn đính thượng khấu thiên môn
(Dịch nghĩa:
La bàn mất, bánh lái hư, sợ Côn Lôn, ở nơi rừng rú đáng gì bàn.
Tay cầm gây trúc rễ vằn đen, lên đỉnh Linh Sơn gõ cửa trời.)
Dải núi Côn Lôn ở biên cảnh Tân Cương như một người khồng lồ tựa trời, từng dãy kéo dài vô tận, quanh năm tuyết trắng, ngăn trở con đường thông thương Tây Tạng - Trung Quốc. Từ xưa đến nay, người Tạng qua lại nơi này không nhiều, con đường này lại có tiếng là nguy hiểm bậc nhất.
Hôm nay có một lữ khách vượt qua dải Côn Lôn, đặt chân lên đất Tây Tạng, quay đầu nhìn lại, núi Côn Lôn đã ở sau lưng. Nhớ đến lữ trình gian khổ vừa qua, y cảm khái đón gió ngâm lớn mấy câu thơ.
Lữ khách này tên là Quế Hoa Sinh, tuổi hơn hai mươi. Y là con trai thứ hai của chưởng môn nhân Võ Đang bắc phái, một trong Thiên Sơn thất kiếm, Quế Trọng Minh. Dáng vẻ phong trần mệt mỏi không che khuất được anh phong hào khí của y.
Y cười lớn:
- Hối Minh đại sư không có ý dọa người, nhưng nếu nói đến đỉnh Côn Lôn là đến cửa nhà trời thì đúng là nói quá.
Hóa ra hai câu mà y vừa ngâm là bài thơ đã đề ở Côn Lôn tuyệt đỉnh của tổ sư phái Thiên Sơn - nhất đại cao tăng thời Minh mạt Thanh Sơ - Hối Minh đại sư.
Quế Hoa Sinh kế thừa gia học, từ nhỏ đã nổi tiếng, xuất chúng nhất trong ba huynh đệ cùng nhà. Tình cờ vài năm trước y lại thua truyền nhân đời thứ tư của Thiên Sơn phái, phu phụ Đường Hiểu Lan và Phùng Anh. Phụ thân của y là một trong Thiên Sơn thất kiếm, có gốc rễ sâu xa với phái Thiên Sơn, cho nên y nuốt không trôi cơn giận này. Quế Hoa Sinh quyết định ngao du bốn phương, giao du với cao nhân dị sĩ, hạ quyết tâm lập phái riêng, trùng chấn kiếm phái.
Y quay đầu nhìn lại Côn Lôn, rồi lại nhìn đỉnh núi trước mặt. Đó là dãy Niệm Thanh Đường Cổ Lạp, cao ngang ngửa dải Côn Lôn. Y cả cười:
- Núi cao còn có núi cao hơn, ta tới Thiên Sơn còn tưởng Thiên Sơn cao không thể với tới. Xem ra núi Côn Lôn và núi Niệm Thanh Đường Cổ Lạp chẳng thấp hơn Thiên Sơn là mấy. Nghe nói ở giao giới của Tây Tạng và Ni Bạc Nhĩ (nước Nepal) có dải Hy Mã Lạp Sơn là dải núi cao nhất thế giới. Quả là thiên ngoại hữu thiên, nhân thượng hữu nhân. Trăm năm qua, võ lâm đều công nhận Thiên Sơn kiếm pháp là kiếm pháp chí cao vô thượng. Chà, ta không tin. Hối Minh thiền sư góp nhặt tinh túy trăm nhà sáng tạo ra Thiên Sơn kiếm pháp, nhưng mà trăm nhà đó hà tất đã bao quát hết Tây Tạng, còn chưa tính đến những nơi ngoài Trung Quốc.
Ý nghĩ đó vụt qua đầu khi y đang đối mặt với núi cao, lòng thầm mong vượt đại mạc, lưu lạc thiên nhai, ngắm cảnh dị vực, tìm kiếm tuyệt thế võ công.
Đang lúc tự tư chợt nghe tiếng kèn lệnh từ xa vẳng lại, vang đến tận trời, âm thanh thê thảm. Lúc này trời sắp hoàng hôn, nắng chiều chiếu rọi, ráng mây đỏ như máu thêm vào tiếng kèn thê lệ, khiến Quế Hoa Sinh tuy tài cao gan lớn, bất giác có chút sốt ruột.
Quế Hoa Sinh lần theo tiếng kèn lệnh tới một u cốc. Đám người trong u cốc đang thổi kèn lệnh trước tượng thần nữ ba đầu, một màu đỏ, một màu trắng, một màu đen. Tạng dân nhảy múa xung quanh tượng.
Quế Hoa Sinh vốn sinh ra ở Tây Tạng, biết nhiều phong tục của người dân ở đây, từng theo khách hành hương học một ít Tạng ngữ, biết tượng thần này là hộ pháp của Lạt Ma giáo, Tiết Đô Ba. Nếu không phải ngày lễ lớn hay chuyện gì quan trọng, Tạng dân sẽ không làm lễ trước tượng. Y dừng chân lắng nghe, bài hát mà họ hát là Chiêu Hồn ca. Lời bài hát nghĩa là:
Cầu xin Thần Hộ Pháp cao quý, nghĩ tình họ là người tha hương, xin hãy cứu lại linh hồn họ trong tay ma quỷ, để chúng con yên lòng.
Một khúc này hát tới hát lui mấy lần.
Quế Hoa Sinh ngạc nhiên tự nhủ, "Người tha hương ở đâu ra, mắc trọng bệnh hay gặp tai kiếp mà Tạng dân phải thỉnh thần hộ pháp đến chiêu hồn?"
Y biết chuyện ‘chiêu hồn’ là vô ích, trong người có sẵn kim dược, đang định đến xem thử xem có cứu được người, nếu cứu được thì còn hơn xây tháp bảy tầng.
Tạng dân thấy một lữ khách bước tới, ngạc nhiên vô cùng, một trưởng lão bước ra, tay cầm xương sọ của con vật hiến tế, trong đó đựng đầy rượu xanh biếc, lấm tấm vài chấm máu đỏ tươi. Đây là nghi lễ tiếp đãi khách lạ của Tây Tạng, rượu được nấu từ lúa mì thanh khoa, gọi là rượu Thảng Thảng, vị cay có chút đắng. Quế Hoa Sinh uống hết một hơi, trưởng lão kia nói:
- Xin quý khách thứ lỗi, không phải chúng tôi chậm trễ đón tiếp, vì ở đây có hai người bị câu mất hồn phách trong thành ma quỷ, sợ tà khí sẽ phạm tới ngươi, xin người mau đi đi.
Quế Hoa Sinh vô cùng kinh ngạc:
- Thành ma quỷ là cái gì?
Đột nhiên bão lớn nổi lên, trưởng lão kia run giọng chỉ tay:
- Nhìn kìa, đó là thành ma quỷ!
Quế Hoa Sinh nhìn theo hướng tay lão chỉ, trong ráng mây tía thấp thoáng hình bóng một tòa thành có đầy đủ phòng ốc, tháp Phật. Ảo ảnh chỉ hiện lên trong thoáng chốc lại biến mất. Tạng dân và trưởng lão cùng cúi đầu kính cẩn lạy lục.
Quế Hoa Sinh cảm thấy buồn cười, đó chẳng qua chỉ là ảo ảnh Hải Thị Thần Lâu thường hay gặp trên biển hay sa mạc.
Tuy Quế Hoa Sinh không thể dùng khoa học giải thích nguyên nhân ảo ảnh (hiện tượng "Ốc đảo trong sa mạc" hay "Ảo tượng" là hiện tượng quang học tự nhiên xảy ra khi ánh sáng bị bẻ cong tạo ra hình ảnh của những vật thể xa trên bầu trời), nhưng y từng ở sa mạc Tân Cương một thời gian, không lạ với chuyện này.
Trưởng lão kia hé mắt nhìn, thấy Quế Hoa Sinh đứng trơ ra, không bái lạy thì hoảng hốt nói:
- Ma thành hiện ra, nếu ngươi không quỳ bái xin tha thì đến Tiết Đô Ba cũng không bảo vệ ngươi được.
Quế Hoa Sinh đang định khuyên lão không nên lo sợ chuyện đó thì cuồng phong ập tới, gió thổi mang theo những âm thanh quái dị như tiếng trống trận ì ầm, tiếng chim kêu vượn hú, tiếng hò hét của chiến sĩ, tiếng kêu khóc... bấy nhiêu thứ tiếng vọng đến khiến người người lo lắng. Gió thổi mạnh đến mức làm cát bay đá chạy, tượng ba đầu Tiết Đô Ba lắc lư nghiêng ngả rồi ngã xuống đất vỡ tan.
Tạng dân kinh hoảng la hét, bỏ chạy tứ tán mặc cát vàng mù mịt. Tiết Đô Ba là đại thần hộ pháp của bọn họ, tượng thần vỡ nát là dấu hiệu xấu, chứng tỏ hộ pháp đã bị Ma Vương đánh bại, làm sao họ không sợ cho được.
Bão táp dữ dội, đá đá mù mịt tối cả đất trời, Quế Hoa Sinh bị gió thổi đến mức suýt té, thầm nhủ, "Trận gió này thật là lớn, âm thanh trong gió càng quái dị lạ thường. Tạng dân nói gió này từ thành ma quỷ thổi tới, chẳng trách họ cho là ma quỷ thổi ra gió."
Cuồng phong tới nhanh, đi cũng nhanh, chỉ trong chốc lát đã lặng gió, những đồ vật cúng tế vương vãi đầy đất. Có hai người nằm dài trên đất, họ mặc quần áo người Hán, là hai người mà Tạng dân muốn chiêu hồn ban nãy.
Quế Hoa Sinh tháo túi nước đeo bên người xuống, đổ nước lau mặt cho họ. Nước rửa cát trôi, Quế Hoa Sinh nhìn thấy hai gương mặt quen thuộc mà bất ngờ.
Một người là đại hán râu rậm khoảng bốn mươi tuổi, một người khuôn mặt thanh tú như tiên đồng, là thiếu niên chừng mười ba mười bốn tuổi. Quế Hoa Sinh thất kinh thốt lên:
- Đây là Đường Linh, dưỡng tử của Đường Tái Hoa mà!
Đường Tái Hoa là con gái của Đường tam tiên sinh, danh gia ám khí ở Tứ Xuyên. Trượng phu của bà ta là Vương Ngạo, làm Tổng bộ đầu cho tuần phủ Hà Nam, bị Thiên Sơn nữ hiệp Phùng Lâm giết chết (xin mời xem truyện Giang Hồ Tam Nữ Hiệp). Đường Tái Hoa không có con cái, nhận Đường Linh làm dưỡng tử, yêu thương như con ruột, coi như bảo bối quý giá. Điều kỳ lạ nhất là Đường gia Tứ Xuyên có giao tình mấy đời với Quế Hoa Sinh, nhưng xưa nay chưa từng nghe Đường tam tiên sinh hay Đường Tái Hoa nhắc đến lai lịch đứa bé này. Hài tử Đường Linh thông minh lanh lợi, ai cũng yêu thích, lúc Quế Hoa Sinh làm khách ở Đường gia từng dạy nó một chút võ công.
Đại hán râu rậm kế bên cũng không phải người lạ, hắn là võ sĩ tâm phúc dưới trướng Chinh Tây Đại tướng quân Niên Canh Nghiêu khi xưa. Trong số thuộc hạ của Niên Canh Nghiêu, võ công Cát Đằng Long không tính là giỏi nhất, nhưng hắn thông thuộc binh thư, lắm mưu nhiều kế, Niên Canh Nghiêu dùng lễ đối đãi hắn còn cao hơn những võ sĩ bình thường.
Sau đó, Niên Canh Nghiêu công cao lấn chủ, bị Ung Chính biếm đi làm thủ thành ở Hàng Châu, cuối cùng bị xử tử. Lúc Niên Canh Nghiêu bị biếm, thân hữu thuộc hạ phiêu bạt khắp nơi, tưởng rằng Cát Đằng Long cũng vậy, nào ngờ hắn biệt tăm tung tích. Mọi người cho rằng cây đổ thì khỉ bỏ đi, xem việc đó là bình thường. Không ngờ lần này Quế Hoa Sinh chạm mặt Cát Đằng Long ở Tây Tạng, hơn nữa còn đi cùng với dưỡng tử của Đường Tái Hoa.
Chuyện này thật khó tin, Đường Tái Hoa làm sao đành lòng để Đường Linh đi cùng thuộc hạ của Niên Canh Nghiêu đến tận Tây Tạng xa xôi? Quế Hoa Sinh biết Đường gia xưa nay không nhúng tay vào thế sự, càng không liên quan đến Niên Canh Nghiêu, tiểu tử Đường Linh làm sao quen biết với Cát Đằng Long? Nếu nói là nó bỏ trốn thì lấy đâu ra can đảm đến tận đây? Nó cũng sao đành lòng để dưỡng mẫu nhớ thương ngày đêm?
Kỳ lạ hơn nữa là làm sao cả hai người lại bị hôn mê ở sa mạc này, đến nỗi Tạng dân phải chiêu hồn cho họ?
Quế Hoa Sinh kiểm tra thân thể họ thật kỹ, hai người không có thương tích gì, mạch đập bình thường, không giống bị cao thủ điểm huyệt, nhưng mặt hơi đỏ, dường như là say rượu. Dù sao đi nữa thì họ vẫn bất tỉnh, Quế Hoa Sinh là đại hành gia võ học cũng đoán không ra nguyên nhân.
Quế Hoa Sinh thử mọi cách không được, chợt nghĩ, "Sao ta không thử dùng tuyết liên Thiên Sơn?"
Tuyết liên Thiên Sơn có thể giải mọi loại độc, khi còn rong ruổi ở Tân Cương, Quế Hoa Sinh phí bao công sức mới kiếm được ba đóa tuyết liên ở đỉnh bắc Thiên Sơn. Hoa này khi nở thì lớn như cái chén, xán lạn như mây, khi hái rồi thì khép cánh rút lại, to bằng nắm tay. Quế Hoa Sinh vừa lấy hoa ra tức thì có một mùi thơm dịu dàng lan tỏa.
Quế Hoa Sinh để tuyết liên gần mũi hai người kia, một lát sau, hơi thở của bọn họ dần dần đều lại. Cát Đằng Long tỉnh dậy trước, thấy Quế Hoa Sinh đang để tay lên kiếm, chau mày nhìn hắn thì ngơ ngác hỏi:
- Ngươi là ai, đây là đâu?
Quế Hoa Sinh hừ một tiếng:
- Chờ đứa nhỏ này tỉnh lại, ta sẽ hỏi chuyện ngươi.
Lát sau Đường Linh cũng tỉnh lại, vừa nhìn thấy Quế Hoa Sinh thì vui mừng gọi:
- Quế thúc thúc, đây là thành ma quỷ hả?
Quế Hoa Sinh hơi bất ngờ, hỏi lại:
- Thành ma quỷ là cái gì?
Vừa nói xong liền trầm mặt nghiêm giọng:
- Đường Linh, im lặng chờ ta!
Rồi quay sang Cát Đằng Long quát lên:
- Ngươi thật to gan, dám bắt cóc con cháu Đường gia!
Lúc này Cát Đằng Long đã bình tâm tĩnh trí, nghe Đường Linh gọi cũng nhận ra Quế Hoa Sinh, ngửa mặt lên trời cười nói:
- Thật là một vị đại hiệp chân chính, thấy chuyện bất bình liền lên tiếng, nhưng ngươi không phân trắng đen lại buộc tội ta. Ngươi hỏi đứa nhỏ kia xem ta có bắt cóc nó không?
Đường Linh vội xen vào:
- Không, Quế thúc thúc, là con đi với ông ta.
Quế Hoa Sinh ngẩn người:
- Sao ngươi lại trốn mẫu thân đi với hắn? Ngươi biết hắn là ai không?
Đường Linh đáp:
- Là Cát Đằng Long thúc thúc.
Còn việc vì sao trốn khỏi Đường gia thì nó không đáp. Quế Hoa Sinh thấy nó không tránh né ánh mắt của mình, dường như có chuyện nghiêm túc cần làm, không giống biển hiện của một đứa bé.
Quế Hoa Sinh hơi nghi ngờ, không đoán ra Cát Đằng Long làm sao lừa được đứa nhỏ thông minh này, tay đặt lên chuôi kiếm, miệng nói:
- Giao đứa nhỏ này cho ta, ngươi theo ta về Đường gia thỉnh tội!
Đường Linh vội nói:
- Không, là con tự nguyện đi theo thúc ấy, xin đừng làm khó Cát thúc thúc.
Quế Hoa Sinh không để ý đến nó, quay người nói với Cát Đằng Long:
- Ta không cần biết ngươi mê hoặc nó như thế nào. Nếu ngươi không giao nó cho ta, thì chúng ta cứ theo quy củ giang hồ quy củ mà giải quyết.
Cát Đằng Long từ tốn nói:
- Ta không phải là đối thủ của ngươi, ta rất biết mình biết người.
Năm xưa khi Niên Canh Nghiêu tiến binh vào Thanh Hải, Quế Hoa Sinh vì cứu một thổ ty mà giết chết vài võ sĩ cao cường của họ Niên, chuyện đó Cát Đằng Long biết rất rõ, cho nên nhất định không động thủ với Quế Hoa Sinh. Quế Hoa Sinh nói:
- Được, vậy mau giao hài tử cho ta!
Cát Đằng Long đáp:
- Không, không thể giao nó cho ngươi.
Quế Hoa Sinh cả giận:
- Uổng cho ngươi là kẻ có tiếng tăm trên giang hồ, ngươi sợ chết à?
Cát Đằng Long ngửa mặt lên trời cười nói:
- Nếu sợ chết, ta đã không cần trải bao gian khổ dẫn đứa nhỏ này đến Tây Tạng. Ta không sợ chết, chỉ là ta sợ ta chết rồi không ai giúp đỡ nó nữa!
Quế Hoa Sinh mắng:
- Nói nhảm! Nó có dưỡng mẫu chăm sóc, cần gì ngươi lo?
Tay chuẩn bị rút kiếm động thủ. Đường Linh chen vào:
- Quế thúc thúc, nếu thúc thương con, xin đừng làm khó Cát thúc thúc!
Quế Hoa Sinh hỏi:
- Tại sao?
Đường Linh đáp:
- Con nhất định phải đi với Cát thúc thúc. Thúc giết thúc ấy, con biết nương dựa vào ai?
Quế Hoa Sinh "ồ" một tiếng, nhìn Đường Linh chăm chú rồi hỏi:
- Năm nay ngươi đã mười ba mười bốn tuổi rồi phải không? Sao vẫn còn như đứa bé không hiểu chuyện vậy? Đường công cùng dưỡng mẫu đối xử với ngươi chưa đủ tốt hay sao? Sao không đền áp ơn dưỡng dục của họ?
Đường Linh nước mắt lưng tròng, nó không muốn nói nhưng sợ Quế Hoa Sinh giết chết Cát Đằng Long, đảo mắt một hồi rồi khẽ nói:
- Không, con không phải con cháu Đường gia!
Quế Hoa Sinh cả giận:
- Ngươi được Đường gia dưỡng dục từ nhỏ, ân tình dưỡng mẫu ngươi cả đời không báo đáp nổi!
Đường Linh kêu lên:
- Nhưng còn phụ thân thân sinh của con!
Quế Hoa Sinh trong lòng hơi động:
- Là ai?
Đường Linh hiên ngang đáp:
- Cha ruột của con là đại tướng chỉ huy trăm vạn đại quân, Niên Đại tướng quân!
Quế Hoa Sinh vô cùng bất ngờ, không tưởng được dưỡng tử của Đường Tái Hoa lại là con ruột của Niên Canh Nghiêu, chỉ nghe Đường Linh nói:
- Ơn nuôi dưỡng của nghĩa mẫu con nhất định không quên, nhưng thù oán của phụ thân, phận làm con không thể không báo.
Năm xưa Niên Canh Nghiêu giúp Ung Chính đánh đông dẹp tây, trợ Trụ vi ngược, hào kiệt nghĩa sĩ khắp nơi đều nghiến răng căm hận. Sau đó hắn bị Ung Chính giết chết, Ung Chính lại bị Lữ Tứ Nương chém chết, hai chuyện này đều khiến người người hả dạ. Quế Hoa Sinh hơi nhướng mày, hỏi:
- Chà, ngươi muốn báo cừu chuyện gì?
Đường Linh lau nước mắt, lớn tiếng nói:
- Thù của cha mẹ bất cộng đái thiên, lẽ nào cha của con uổng mạng vô ích sao?
Quế Hoa Sinh thầm nghĩ, "Không sai, cha của ngươi là kẻ đáng chết!"
Lời ra đến đầu lưỡi lại nuốt vào bụng, "Niên Canh Nghiêu có tội, đứa nhỏ này vô tội. Sau này nó sẽ hiểu phụ thân nó là người thế nào, nhưng bây giờ nó còn nhỏ, nếu ta nói ra, làm sao nó chịu nổi!"
Nghĩ rồi thở một hơi, mỉm cười hỏi:
- Ngươi muốn báo thù thế nào?
Địch ý với Quế Hoa Sinh giảm đi, Đường Linh nói:
- Cát thúc thúc nói với con, Tây Tạng nằm ngoài tầm với Thanh triều. Bọn con lập cơ nghiệp ở đây, sau này có thể khởi binh, thắng làm vua, bại thì vẫn có cứ địa nương thân.
Đường Linh nói trôi chảy mạch lạc, anh phong hào khí không khác cha nó năm xưa.
Quế Hoa Sinh thầm nghĩ, "Thật không hổ là con trai Niên Canh Nghiêu, Cát Đằng Long cũng không hổ là túi khôn của Niên Canh Nghiêu, mưu tính sâu xa đến vậy. Chuyện này ta không thể không quản!"
Nghĩ rồi nhẹ nhàng nói với Đường Linh:
- Ngươi cũng có chí khí, nhưng cần phân biệt thiện ác rõ ràng.
Đường Linh hỏi:
- Thiện ác thế nào, thúc nói con biết đi.
Quế Hoa Sinh nói:
- Hiện giờ ngươi trúng độc hương, cần ngủ một giấc, tỉnh rồi ta sẽ nói cho ngươi nghe.
Nói xong liền điểm mê huyệt của nó, rồi quay người lại gằn giọng nói với Cát Đằng Long:
- Được lắm, ngươi lôi kéo một đứa bé đi vào con đường lầm lạc, tội này còn ghê gớm hơn phóng hỏa giết người!
Cát Đằng Long nói:
- Ta giúp nó báo thu cho cha, có gì sai lầm?
Quế Hoa Sinh nói:
- Tên Niên Canh Nghiêu đó, người người trong nước đều muốn giết chết hắn, sao ngươi lại muốn báo thù cho hắn?
Cát Đằng Long nói:
- Người khác giết Niên Canh Nghiêu thì không sao, Ung Chính là do một tay Niên Canh Nghiêu phò tá mà nên, nếu ta không báo thù cho Niên Đại tướng quân thì làm sao giải trừ được phẫn hận trong lòng? Huống hồ khi còn sống Niên Đại tướng quân lấy lễ đãi ta, ta sẽ dùng nghĩa báo đáp, người khác bàn luận ngài ấy thế nào, ta chẳng quan tâm.
Quế Hoa Sinh thầm nghĩ, "Tào Tháo cũng có tri âm, câu nói này quả không sai."
Suy nghĩ một chút rồi nói:
- Ung Chính đã bị Lữ Tứ Nương giết rồi, thù của ngươi đã báo xong!
Cát Đằng Long nói:
- Ung Chính tuy chết rồi, giang sơn này vẫn là giang sơn của họ Ái Tân Giác La!
Quế Hoa Sinh nghiêm giọng:
- Được, không ngờ võ sĩ tâm phúc của Niên Canh Nghiêu lại suy nghĩ như nghĩa sĩ giang hồ! Hay lắm, nếu là khu trừ Thát Lỗ, báo thù cho Hán tộc thì ta không quản. Nhưng trước tiên ngươi phải đem đứa nhỏ này về lại cho dưỡng mẫu của nó, chờ nó lớn lên thì để nó tự chọn con đường đi của nó, ngươi đồng ý không?
Cát Đằng Long trầm tư chốc lát, liền đáp lời:
- Cũng được, hôm nay ngươi cứu mạng hai người chúng ta, ta cũng mang nợ ân tình của ngươi.
Kỳ thực lý do Cát Đằng Long lập chí phản Thanh rất khác với các giang hồ nghĩa sĩ. Hắn muốn lợi dụng danh nghĩa con trai Niên Canh Nghiêu hiệu triệu mọi người để phục vụ dã tâm riêng. Đường Linh trời sinh thông minh cơ trí, là người có thể mưu đồ nghiệp bá vương, cho nên hắn không tiếc hao tổn tâm cơ dụ đứa bé này trốn khỏi Đường gia.
Quế Hoa Sinh nhìn lầm con người Cát Đằng Long, thầm nghĩ, "Niên Canh Nghiêu vừa chết, bộ hạ cũ của hắn bỏ chạy còn không kịp, không ngờ lại có tên ngốc này, tuy ngu trung nhưng rốt lại vẫn là chí nam nhi không tàn lụi."
Quế Hoa Sinh thấy Cát Đằng Long đáp ứng thì vui vẻ nói:
- Quân tử nhất ngôn...
Cát Đằng Long tiếp lời:
- Tứ mã nan truy!
Quế Hoa Sinh cười lớn:
- Được, ta tin ngươi! Ngươi mang nó về Đường gia, ta viết một phong thư cho Đường nhị tiên sinh, xin bọn họ đừng trách tội ngươi.
Nói rồi tìm một tấm da dê trong đống đồ đạc lộn xộn của Tạng dân bỏ lại, dùng kiếm vạch chữ đề thư. Cát Đằng Long cẩn thận cất bức thư vào lần áo trong cùng, lòng mưu tính chuyện khác.
Quế Hoa Sinh định lay tỉnh Đường Linh, nghĩ tới một chuyện, liền dừng tay hỏi:
- Ban nãy các ngươi nói đến thành ma quỷ, đó là cái vậy? Vì sao cả hai bị trúng độc?
Cát Đằng Long đáp:
- Ta đã dò xét thành ma quỷ đó nhiều lần. Mấy lần trước không dám đến gần, chỉ đứng ở ngọn núi đối diện nhìn xuống, lần này đến gần hơn một chút, không ngờ một trận gió lạ thổi tới, thế là hôn mê bất tỉnh.
Quế Hoa Sinh lấy làm lạ hỏi:
- Thành ma quỷ đó có thật à?
Cát Đằng Long nói:
- Tạng dân ở đây ai cũng nói về kỳ tích của thành ma quỷ, ta nghĩ có thể có dị nhân ở đó. Nhìn từ ngọn núi kia xuống, vài lần ta thấy có khói bếp bay ra, mà mấy cái âm thanh tiếng động cũng dọa người quá!
Quế Hoa Sinh lẩm bẩm:
- Ta nghe qua rồi.
Y vẫn còn cảm giác kinh dị với âm thanh quái dị trong gió, bây giờ nghe Cát Đằng Long nói đến khói bếp lại càng nghi ngờ, liền hỏi:
- Ngươi chính mắt nhìn thấy trong núi có một toà thành ma à?
Cát Đằng Long đáp:
- Tối hôm qua bọn ta mạo hiểm vào thung lũng, mơ hồ nhìn thấy trên đỉnh ngọn núi có một toà tháp nhọn, còn chưa kịp nhìn rõ thì cuồng phong đã thổi đến, trong gió có dị hương, chúng ta ngủ mê đi đến lúc ngươi tới mới tỉnh!
Quế Hoa Sinh thầm nghĩ, "Xem ra thành ma quỷ có không ít chuyện lạ, ta phải đến đó xem sao."
Nghĩ rồi liền giải huyệt cho Đường Linh. Đường Linh tỉnh dậy, thấy Quế Hoa Sinh đứng dối diện với Cát Đằng Long, vẻ mặt hòa hoãn không còn khó chịu thì cười nói:
- Hai vị thúc thúc hòa giải rồi sao?
Cát Đằng Long nói:
- Ta vốn không có thù oán gì với Quế thúc thúc của ngươi, nói chuyện rõ ràng rồi thì hắn đâu có lý do gì làm khó chúng ta?
Hắn cố ý nhấn mạnh hai chữ "chúng ta", muốn gieo vào đầu Đường Linh ý niệm rằng chỉ có hắn mới có mối liên kết chặt chẽ với Đường Linh, vô hình trung xem Quế Hoa Sinh là người ngoài.
(Tâm lý học hiện đại có phương pháp "Ám thị," Cát Đằng Long không biết chuyện đó, nhưng thủ đoạn hắn dùng với Đường Linh chính là phương pháp này.)
Đường Linh nói:
- Quế thúc thúc, thúc thật tốt. Thúc không cản con báo thù cho phụ thân chứ?
Quế Hoa Sinh hơi nhướng mày, chậm rãi nói:
- Thị phi thiện ác không dễ phân biệt, chuyện tốt đối với ngươi chưa chắc là chuyện tốt với người khác. Muốn biết chuyện mình muốn làm có đúng hay không nên xem xét từ nhiều hướng. Được rồi, bây giờ ta đã hiểu chuyện của ngươi, ngươi về hỏi mẹ của ngươi và Đường công xem sao. Ngươi vốn thông minh, mấy năm nữa tất sẽ hiểu mọi chuyện.
Đường Linh nghe xong cảm thấy khó chịu, như hiểu mà không hiểu, lớn tiếng hỏi lại:
- Nói tới nói lui, vẫn là thúc muốn con về Đường gia sao?
Cát Đằng Long thầm nháy mắt với nó, miệng nói:
- Linh nhi, Quế thúc thúc của ngươi có ý tốt, chúng ta mau đi đi, ngươi đi theo ta, nhất định không sai đường đâu.
Quế Hoa Sinh nhìn theo Cát Đằng Long dẫn Đường Linh đi xuống sườn núi, bóng lưng dần khuất, trong lòng hơi động, cảm thấy bỏ mặc Đường Linh cho Cát Đằng Long không đúng lắm, nhưng y rong ruổi Tây Tạng không tiện dẫn nó theo, nếu Cát Đằng Long đã đồng ý dẫn nó về Đường gia vậy thì chỉ còn cách để hai người bọn họ rời đi mà thôi.
Quế Hoa Sinh nghỉ ngơi một lát, ăn chút lương khô, đợi đến khi trăng mọc thì đi về phía thành ma quỷ.
Qua hết một thảo nguyên lại đến một sa mạc. Sa mạc này chỉ rộng hơn mười dặm, quá một canh giờ cũng đi qua nó. Trước mặt lại là một thảo nguyên. Đến nửa đêm, núi Niệm Thanh Đường Cổ Lạp đã ở trước mắt. Cốc khẩu hình dáng như cái loa, Quế Hoa Sinh bước vào đó, đưa mắt nhìn, thấy sông băng đan xen như ngân long múa lượn, phát ra ánh sáng xanh nhàn nhạt ở trong đêm tối. Gió mang theo một mùi hương kỳ lạ, ngửi như mùi rượu, Quế Hoa Sinh mơ màng buồn ngủ, vội vàng lấy tuyết liên Thiên Sơn ra hít sâu mấy cái, rồi lặng lẽ đi về phía trước. Tiếng gió càng lúc càng lớn, những âm thanh quái dị ban ngày lại theo gió mà đến, như có hàng vạn con ngựa cùng chạy, tiếng ngàn quân nghênh địch hùng tráng, thê thương, tiếng khóc thét... đều có, thật giống một bản hợp tấu sai nhịp, càng nghe càng cảm thấy kinh tâm động phách. Quế Hoa Sinh bịt tai, leo lên vách núi cheo leo, ánh trăng chiếu rõ những lỗ chi chít như tổ ong. Quế Hoa Sinh chợt nghe những âm thanh quái dị đó hình như phát ra từ ngay dưới chỗ y đặt chân.
Quế Hoa Sinh bừng tỉnh thầm cười, "Hóa ra âm thanh quái dị trong gió phát xuất từ đây!"
Khi y còn ở Thiên Sơn cũng từng nghe thấy loại âm thanh này dưới lòng đất. Lúc đầu cũng nghi hoặc, sau đó y mới biết sơn mạch Thiên Sơn có rất nhiều núi băng to lớn, nham thạch sụp xuống do địa chấn, chôn núi băng phía dưới. Núi băng từ từ tan chảy khiến bên dưới nham thạch trống không, lại thêm sông băng lưu động tạo thành tiếng động len lỏi qua các chỗ trống, có lúc tựa như tiếng nhạc, có lúc tựa tiếng bước chân, lần đầu nghe những thanh âm đó, ai nấy đều kinh hồn bạt vía.
Quế Hoa Sinh xem kỹ những tổ ong đá trên núi, áp tai vào nghe thử. Lỗ đá hình dạng to nhỏ khác nhau, tiếng động từ đó phát ra cũng khác. Những lỗ đá này là do gió cát ăn mòn. Cốc khẩu hẹp mà dài, gió cát thổi tới, bị vách núi cản đường nên xảy ra hiện tượng như trên. Dân cư sa mạc cổ đại không có kiến thức địa chất cận đại, lại không dám tự đi quan sát, không trách bọn họ cho rằng đó là âm thanh ma quỷ.
Quế Hoa Sinh vẫn có chút nghi hoặc, thầm nghĩ, "Sông băng dưới lòng đất di động cùng gió thổi qua các kẽ đá tạo thành âm thanh quái dị, điều này dĩ nhiên không đáng sợ. Trong mắt Tạng dân, đây rõ ràng là một nơi quái dị, vừa hiểm ác vừa hoang vu, tại sao lại có người nhất định náu mình ở đây? Họ che giấu cái gì?"
Lại nghĩ đến truyền thuyết thành ma quỷ là do hiện tượng quái lạ mà nên, trong núi có thật là có thành trì hay không?
Lúc này gió đã ngưng, Quế Hoa Sinh tiếp tục leo núi, đi qua mấy đỉnh, đường đi hiểm trở, quả nhiên là một vùng trời đất mới, khắp nơi đều hoang tàn đổ nát, còn có phế tích chùa chiền cùng tháp canh... Hiển nhiên là di chỉ một tòa cổ thành, lạ nhất là những mảnh ngói vỡ kia đã được dọn sang một bên, hình như đã được ai đó dọn lại không lâu trước đây.
Đi qua hết di chỉ này, ngước mắt nhìn lên đỉnh càng kỳ quái hơn. Trên đó là một toà tháp trắng nguyên vẹn, cao khoảng mười trượng, bên cạnh bạch tháp có hai dãy phòng, nóc nhà hình tròn như hoa sen. Phòng ốc như thế này hoàn toàn khác với kiến trúc Tây Tạng, lại có ánh sáng lấp lánh, không biết là dùng vật liệu gì xây nên. Nhìn một chút, Quế Hoa Sinh biết toà tháp này mới được xây dựng gần đây, không phải kiến trúc cổ đại. Đương nhiên Quế Hoa Sinh không tin vào "thành ma quỷ", nhưng không khí nơi này quả thực thần bí vô cùng.
Quế Hoa Sinh tài cao gan lớn, bước về phía trước, cảm thấy mùi hương nồng đậm trong gió đêm thổi tới, tuy có tuyết liên Thiên Sơn phòng thân, tim vẫn đập nhanh hơn một chút. Bên cạnh tháp trồng nhiều loại hoa kỳ lạ, ba màu hồng, trắng, xanh xen kẽ với nhau, dưới ánh trăng nhàn nhạt càng thấy đẹp. Y ngậm hai cánh hoa tuyết liên, bước vào trong, hóa ra mùi hương kỳ lạ trong gió phát sinh từ đây. Y đang trầm tư suy nghĩ chợt nghe tiếng bước chân vọng đến.
Quế Hoa Sinh núp trong bụi hoa nhìn ra, thấy một võ sĩ áo đenđể râu dê, dẫn theo hai lạt ma mặc cà sa trắng đi tới. Võ sĩ kia vóc người khôi vĩ, tướng mạo kỳ lạ, không giống người Tây Tạng.
Hai lạt ma áo trắng càng khiến Quế Hoa Sinh ngạc nhiên hơn. Lạt ma Tây Tạng chia làm ba phái, trước khi quân Thanh nhập quan, Hồng giáo lạt ma nắm quyền, là phái phổ biến nhất. Khi nhà Thanh vững chân ở Trung Nguyên, liền tôn Hoàng giáo lạt ma là quốc giáo, Hồng giáo thất bại hoàn toàn nhưng vẫn tồn tại ở Tây Tạng. Còn phái Bạch giáo, người đứng đầu là Pháp vương, địa vị ngang Hồng giáo thời Minh. Minh Thành Tổ phong làm Quán Đỉnh quốc sư, ban quyền cai quản ba bộ của Tây Tự đến cuối thời Sùng Trinh hoàng đế. Lãnh tụ Hoàng Giáo Đạt Lai đời thứ năm và Ban Thiền đời thứ tư mượn binh lực của Tây Trưởng Cố Thủy Hãn của Thanh Hải Mông Cổ, mới lật đổ địa vị thống trị của Pháp Vương Bạch Giáo ở Tây Tạng. Bạch giáo bị trục xuất khỏi Tây Tạng, chạy đến Thanh Hải, nương tựa thế lực của Hòa Đằng Hãn, hơn một trăm năm qua không dám quay về.
(*) Quán đỉnh (灌顶): nghĩa đen là rưới nước lên đầu, là một nghi thức tôn giáo trong những buổi lễ long trọng. Trong Kim cương thừa, danh từ quán đỉnh được dùng chỉ những nghi lễ, trong đó vị Đạo sư cho phép đệ tử tu tập một Tan-tra. Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta hay sử dụng danh từ "Truyền lực".
Lạt ma Tây Tạng dùng màu sắc trang phục để phân biệt, hai người này đương nhiên là lạt ma Bạch giáo. Quế Hoa Sinh nghi hoặc, thầm nhủ, "Bạch giáo, Hoàng giáo như nước với lửa, tại sao hai lạt ma Bạch giáo này dám lén lút đến đây?"
Hắc y võ sĩ kia cất tiếng:
- Vương tử của bọn ta nghe nói sứ giả của Pháp vương quang lâm nên tới đây cung nghênh đại giá. Có mấy vị thổ ty cũng sắp đến, haha, đây thực là cơ duyên hiếm gặp!
Quế Hoa Sinh không hiểu đầu đuôi, thầm nghĩ, "Vương tử ở đâu ra? Nếu là con trai Tạng vương, sao lại không gặp ở Lạp Tát, lại đến nơi quỷ quái này làm gì?"
Lời nói của hắc y võ sĩ đầy tự tin, càng làm Quế Hoa Sinh thêm nghi ngờ.
Hai bạch y lạt ma xì xố nói chuyện với nhau một chút, lúc này bọn họ đã đi tới sườn núi, lời nói không còn nghe rõ. Một lúc sau Quế Hoa Sinh nhô đầu ra thì bọn họ đã đi khuất, chợt một bạch y lạt ma khác lại chạy vội đến, sắp tới chỗ bụi hoa thì ngã xuống đất, nằm yên không động đậy, dường như đã xỉu đi.
Quế Hoa Sinh ngẩn ra, rồi vỡ lẽ, "Đúng rồi, hai lạt ma kia mang có giải dược, người này không có, cho nên bị mùi hoa làm cho té lăn." Nhưng tại sao y lại không có giải dược, lại không có ai dẫn đường? Chuyện này Quế Hoa Sinh nghĩ không ra.
Quế Hoa Sinh nhảy ra, thấy gương mặt lạt ma này đỏ lên như say rượu, tương tự với tình trạng của Đường Linh và Cát Đằng Long, nghĩ thầm, "Cát Đằng Long vừa tới thung lũng đã trúng độc, người này đi đến tận đây mới lăn ra, nội công thâm hậu hiếm thấy!"
Liền bứt hai cánh hoa tuyết liên Thiên Sơn cho vào miệng hắn, một lát sau bạch y lạt ma bật dậy, mắng lớn bằng tiếng Tạng:
- Hừ, ngươi đã dùng yêu pháp gì?
Vừa nói vừa đánh ra một quyền, Quế Hoa Sinh vung chưởng đẩy ra, cảm thấy lực quyền của đối phương trầm trọng dị thường, đang định nói cho rõ. Lúc này bạch y lạt ma đã nhìn rõ Quế Hoa Sinh là người Hán, rất kinh ngạc, quyền thứ hai vừa đánh ra thì thu tay lại, miệng hỏi:
- Ngươi là ai?