Chương 1: Giới thiệu nhân vật

LỤC KIỀU KIỀU:

Nhân vật chính trong truyện, cô gái mang trong mình môn tuyệt học gia truyền – thuật phong thủy âm dương, quanh năm ngày tháng mặc áo xanh lục, qua lại ở chốn Trần Đường phong nguyệt, kiếm sống bằng nghề xem bói dạo. Lục Kiều Kiều là một cô gái đẹp, nhưng đồng thời cũng là một cô nương tham tài, xảo trá, háo sắc và có cơ man những sở thích bất hảo. Trước khi ngôi nhà nơi cô sống một mình bị quan phủ bất ngờ ập đến, cuộc sống của cô luôn trong trạng thái trống rỗng, phẳng lặng… Ít ra là bản thân cô nghĩ vậy.

AN LONG NHI:

Cậu bé được Lục Kiều Kiều dùng kế lừa mua về từ tay trùm gánh mãi võ giang hồ, từ khi sinh ra đã sở hữu mái tóc màu vàng kỳ dị. Trung thành chính trực, điềm tĩnh kiên cường, tất thảy đều nằm trong tính toán của Lục Kiều Kiều, ngoại trừ… thiên phú siêu phàm của cậu trong lĩnh vực phong thủy. Thoạt đầu, Lục Kiều Kiều chỉ muốn đem theo cậu bé này bên mình để sử dụng như một quân cờ, ngờ đâu người tính chẳng bằng trời tính, trên đường du hành xa xôi mà nguy hiểm, Lục Kiều Kiều phát hiện An Long Nhi, đứa trẻ do chính tay cô đào tạo, đã ngày một tiến gần tới tương lai trở thành một vị đại sư huyền học.

JACK:

Thương nhân lãng tử đến từ Hoa Kỳ, cũng là tay súng cừ khôi trăm phát trăm trúng. Anh chàng tuấn tú, tóc vàng, cao lớn này xuất hiện lần đầu trước mặt Lục Kiều Kiều trong bộ quần áo bò phóng khoáng, lúc bấy giờ, một người đơn giản, cởi mở như Jack không thể nào ngờ rằng anh lại bị cô gái thần bí này kéo vào cuộc mạo hiểm kinh hồn táng đởm…

AN THANH NGUYÊN:

Vị huynh trưởng hơn Lục Kiều Kiều mười mấy tuổi, làm quan trong triều, cũng nắm trong tay thuật phong thủy tuyệt đỉnh. Hai anh em nhiều năm hiếm khi gặp nhau, nhưng cuộc chạm mặt bất ngờ tại thành Phật Sơn khiến Lục Kiều Kiều không khỏi ngờ vực ý đồ của anh trai. An Thanh Nguyên cũng như em gái, đều nắm giữ bí mật truyền đời một gia tộc phong thủy.

QUỐC SƯ:

Người đàn ông không rõ thân phận. Để cứu vãn triều đình nhà Thanh trước nguy cơ sụp đổ, giảm bớt chiến loạn trong thiên hạ, ông ta cầm đầu một nhóm các nhà huyền học của phủ Quốc sư, bất chấp thủ đoạn chống đối lại mệnh trời trong lĩnh vực phong thủy huyền bí ít người hiểu được. Công lực huyền học người này sở hữu khiến Lục Kiều Kiều ý thức sâu sắc rằng đối thủ của mình mạnh đến mức khó có thể tưởng tượng.

HỒNG TUYÊN KIỀU:

Em gái của Hồng Tú Toàn, một trong những người sáng lập Nữ tử Tuyên đạo hội thuộc Bái Thượng đế hội. Phóng khoáng hào sản, anh khí bừng bừng, thông binh pháp, nặng lòng thiên hạ, anh dũng đa mưu, là bậc nữ nhi ôm ấp hy vọng xây dựng nên một thế giới “mọi người bình đẳng”. Mối giao tình sinh tử của Hồng Tuyên Kiều với Lục Kiều Kiều được quyết định trong một cuộc biến hoán phong thủy kinh thiên động địa, khi ấy, cô đã dùng vạn lạng hoàng kim, mua lấy giang sơn của Đại Thanh.

TÔN TỒN CHN:

Người tu luyện huyền học phái Toàn Chân, dùng gậy, giỏi võ, cũng tinh thông thuật phong thủy, là một trong những nhân tài được triều đình điều động từ tứ xứ. Đây là một người không có mặt, một người bị số phận sắp đặt, và rồi lại sắp đặt lại số phận. Khi đối diện với Lục Kiều Kiều, cũng là khi bị triều đình từng lợi dụng mình truy sát gắt gao, Tôn Tồn Chân đã đưa ra một quyết định cần dũng khí rất lớn là vứt bỏ bát tự[1] củamình. Từ đó anh ta đứng ra ngoài thiên đạo, đứng ngoài mệnh trời. Từ đó, anh ta tồn tại tự do nhất trong toàn bộ câu chuyện Trảm Long này.

[1] ”Bát tự” là “tám chữ”, đó là:

Can, chi của năm sinh

Can, chi của tháng sinh

Can, chi của ngày sinh

Can, chi của giờ sinh.

MẠNH HIỆT:

Người đàn ông trung niên tinh thông thuật phong thủy, giỏi mưu lược, ôn tồn nho nhã và rất giỏi quan sát lời nói cử chỉ của người khác. Ông ta là sư gia tùy tùng của một viên tham quan nhỏ ở Thanh Thành. Ít ra bề ngoài là như vậy.

THÚY NGỌC:

Cô kỹ nữ Jack gặp trên đường, có chút thần thái rất giống Lục Kiều Kiều. Khi bị số phận tráo trở đè nén, cô không bằng lòng ắt sẽ phản kháng; khi số mệnh không thể thay đổi được phương hướng, Lục Kiều Kiều lại nhúng tay, thay đổi chất lượng số mệnh của cô.

Long Quyết

Những năm Đạo Quang thời nhà Thanh, dưới chân núi Thanh Nguyên ở Giang Tây có một phú hộ, gia chủ An Vị Thu là hương thân đức cao vọng trọng trong vùng. Con người An Vị Thu thích làm việc thiện, hay bố thí cháo tặng quần áo cho người cùng khổ, còn quyên tiền quyên sách cho thư viện Bạch Lộc Châu trong vùng suốt thời gian dài, dân chúng trong phương viên trăm dặm đều gọi ông ta là An đại thiện nhân.

Nhìn bề ngoài An Vị Thu là một phú nông nho nhã, vui nghiệp điền viên, song người ở quê không biết ông ta còn là một vị danh sư phong thủy. Gia cảnh ông giàu có sung túc, không tranh với đời, không cần phải dùng phong thủy mưu sinh, vì vậy rất ít khi hiển lộ ra ngoài. Người ngoài chỉ thấy An đại thiện nhân ưa xem sách phong thủy những lúc nhàn rỗi, thích đi du lịch khắp nơi, chứ chưa từng nắm được An Vị Thu hiểu biết về phong thủy đến mức nào. Bình thường khi nói chuyện, ông cũng bàn luận một chút về phong thủy, có lúc giúp người ta xem gia trạch, tìm chỗ đặt bia, nhưng chỉ nhận chút trà nước trứng gà, không bao giờ lấy tiền, chỉ mong dân làng được lợi, lối xóm bình an.

An Vị Thu sinh được hai người con trai, con trai cả An Thanh Nguyên sớm đã lên kinh làm quan, con trai thứ An Thanh Viễn chỉ mải mê buôn bán, hai con trai đều do vợ cả sinh ra; về sau ông lấy thêm một người thiếp, sinh được con gái út An Thanh Như. Cô con gái này mặc dù là con của tiểu thiếp, nhưng xinh xắn đáng yêu vô cùng, từ nhỏ An đại thiện nhân đã coi như hòn ngọc trên tay.

Có một lần con trưởng An Thanh Nguyên về nhà thăm người thân, con thứ Thanh Viễn chưa ra ngoài làm ăn, Tiểu Như còn đang ngồi trên đùi An Vị Thu, ông kể cho ba người con một câu chuyện. Trong cuộc biến loạn An Sử thời Đường[1], một đám quan viên nháo nhác chạy khỏi hoàng cung, trong đó có hai viên quan thuộc Tư Thiên giám chuyên quản việc thuật số, lần lượt là Dương Quân Tùng công và An Linh Đài công, bọn họ mang theo bí điển phong thủy trong cung chạy đến Giang Tây.

[1] Loạn An sử (chữ Hán: 安史之亂: An Sử chi loạn) là cuộc biến loạn xảy ra giữa thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do họ An và họ Sử cầm đầu. Cả họ An và họ Sử đều xưng là Yên Đế trong thời gian nổi dậy.

Dương công muốn dân chúng trong thiên hạ có thể sống những ngày tháng tốt đẹp, nên đã trích lục biên soạn lại những phần có liên quan đến đời sống dân gian trong thuật Phong thủy Thiên tử, bắt đầu lưu truyền từ vùng Giang Tây. An công lại lặng lẽ ẩn mình trong dân gian ở Giang Tây, canh giữ bí điển tối hậu không thể truyền nhập dân gian Long Quyết; mà An Linh Đài công chính là tổ tiên của nhà họ An bọn họ.

Long Quyết không giống như phong thủy của Dương công. Phong thủy của Dương công dùng trong dân gian trăm họ, Long Quyết là để cho thiên tử sử dụng. Long Quyết động thì quốc vận động, quốc vận động thì sẽ động đến sinh tử của trăm vạn người, vì vậy Long Quyết không được truyền vào dân gian, dân gian cũng không có ai cần vận dụng đến thuật phong thủy cường mạnh tột bậc như thế. Vì vậy, nhà họ An chỉ đời đời bảo vệ Long Quyết, xưa nay chưa bao giờ phải nghĩ đến vấn đề sử dụng nó.

Long Quyết chia làm ba tập, lần lượt là “Tầm Long Quyết”; “Ngự Long Quyết”; “Trảm Long Quyết”.

“Tầm Long Quyết” dạy phong thủy sư cách phát hiện ra những long mạch hình dạng thiên kỳ bách quái, hoặc ẩn hoặc hiện giữa mênh mông đất trời.

“Ngự Long Quyết” dạy phong thủy sư cách tu hành công lực của mình, khiến người đó có thể vận dụng long khí, đạt đến khả năng thay trời đổi đất.

Long khí tức là “sinh”, muốn long khí chết đi thật khó càng thêm khó. Cho dù phá hoại được nhất thời, long khí cũng sẽ có ngày tái sinh. “Trảm Long Quyết” dạy cho phong thủy sư cách cắt đứt long mạch, khiến long khí hoàn toàn bị tiêu diệt và không tái sinh được nũa.

An Vị Thu kể tới đây, thì không nói tiếp nữa. Anh cả An Thanh Nguyên khí chất nho nhã cung kính dâng trà lên cho cha; anh hai An Thanh Viễn gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười tò mò đợi cha kể tiếp câu chuyện, chỉ có Tiểu Như mới bốn năm tuổi là trượt khỏi đùi cha, đòi kéo anh hai đi chơi. Mấy người con chỉ biết trong nhà mình truyền đời một số sách cũ vĩnh viễn không bao giờ dùng đến, cha muốn bọn họ bảo quản cho tốt, sau đó truyền cho đời sau, tiện thể kể lại câu chuyện này cho họ.

Thế nhưng, trong đêm trước cuộc đại biến xưa nay chưa từng có ở Trung Quốc, Long Quyết không thể nào bặt vô âm tín, bậc anh hùng chân chính đã được định sẵn sẽ sáng tạo nên lịch sử.

Mười lăm năm sau. Bầu không phía trên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh mây đen mù mịt, sấm sét ì ùng. Hoàng đế Đạo Quang lòng đầy lo lắng đứng bên cạnh đàn Xã Tắc, chau mày nhìn hòn Giang Sơn thạch nhô cao, bên trên đầy những vết rạn nứt li ti. Quốc sư rảo chân bước lên quỳ lạy, hoàng đế Đạo Quang buột miệng hỏi: “Bản tấu của phủ Quốc sư ta đã xem qua rồi, thạch sư ở Nam môn gầm rống, đầu rồng ở Huyền Vũ môn bị gẫy đoạn, quả thực là điềm đại hung?”

“Từ điềm này suy đoán, long khí tụ ở phương Nam, nếu không kịp thời phá giải, chỉ sợ để lâu dài sẽ lay động đến căn cơ đất nước…”

Hoàng đế Đạo Quang nghe được trong giọng điệu của Quốc sư vẻ ngập ngừng muốn nói lại thôi, liền bảo: “Nói thẳng không có tội, nói đi.”

Quốc sư quỳ dưới đất cúi đầu nói: “Quảng Đông vốn có chín long mạch Thiên Tử, vì vận trời sai khiến, long mạch chết rồi lại phục sinh, nếu có dân chúng nào ngẫu nhiên hạ táng vào, hoặc có thuật sĩ cố ý tìm lấy, sẽ tạo ra hậu nhân làm loạn thiên hạ.”

“Vận trời sai khiến…” hoàng đế Đạo Quang trầm ngâm hồi lâu. “Khanh nói là vận trời sai khiến?”

“Thần không dám. Các vị thánh quân thời Tần thời Hán đều công nhận có vận trời luân chuyển, vì vậy bậc minh quân đều cần chính yêu dân cầu cho trời phù hộ…”

Hoàng đế Đạo Quang khom người xuống, khẽ ngắt lời Quốc sư: “Ta mặc kệ vận trời hay không, giang sơn Đại Thanh không thể bại trong tay ta được, khanh phải nghĩ cách, quân thần một lòng cứu nước cứu dân.”

Quốc sư vẫn cúi gằm đầu: “Ba năm trước thần trình lên tấu chương, sau khi được thánh thượng phê chuẩn trùng kiến lại phủ Quốc sư, đã hết lòng cẩn thận quét sạch danh sư phong thủy ở đất Lưỡng Quảng, phá sạch chín long mạch. Điềm triệu ngày hôm nay là vì long khí ở phương Nam sinh sôi không ngớt, sợ rằng lại có thuật sĩ phong thủy mới xuất hiên… nhưng vi thần ắt sẽ dốc hết sức toàn lực, bảo vệ giang sơn vạn đại của hoàng thượng.”

Lúc này trên trời giáng xuống một đạo sấm sét, mặt đất chấn động. Hoàng đế Đạo Quang và Quốc sư không khỏi nhìn theo hướng sấm sét trông lên hòn Giang Sơn thạch, thấy bên trên Giang Sơn thạch tựa hồ lại có thêm một vết nứt. Hoàng đế Đạo Quang quay đầu lại nói với Quốc sư: "Với ấn tín này, quan viên văn võ đất Lưỡng Quảng đều do khanh điều động, nhất thiết phải trảm hết long mạch Thiên Tử.”

Một hộp gấm được đặc vệ dâng lên cho hoàng đế Đạo Quang, rồi truyền đến tay Quốc sư.