Chương 1-1: Lời tựa
Khi tôi bắt đầu đặt bút viết ra những dòng này cũng là lúc tôi thả mình trôi theo những suy nghĩ về tình yêu, giá trị và vẻ đẹp của tình yêu. Tình yêu là gì mà khiến cho con người ta phải khao khát kiếm tìm, phải hạnh phúc, đớn đau như vậy. Bản thân mỗi người sẽ tự có câu trả lời của riêng mình cho câu hỏi ấy. Với riêng tôi, câu trả lời bắt đầu đến từ một câu chuyện của một cậu bé năm nay mới chập chững bước vào đời và ôm ấp trong mình những kỉ niệm về một mối tình đầu.
Đơn Phương- câu chuyện của cậu bé mang tên là vậy. Cái tên không phải là lời gọi từ một trái tim không được đáp lại như mọi người vẫn hiểu. Ngược lại nó đến từ hai trái tim, song tiếng vọng ấy đã không tìm được với nhau khi chẳng thể nào vượt qua nổi bức tường ngăn cách của không gian tâm tưởng của cái sự rè rụt tuổi mới lớn.
Điểm cuốn hút ở Đơn Phương chính là tính chân thật của nó. Tác giả đã khai thác rất tốt đặc điểm của thể loại tự truyện khi kể lại, diễn tả một cách chân thực nhất những sự kiện, sự việc đã trải qua trong đời. Qua mỗi lời văn, người ta đều cảm nhận được cái thực, cảm giác như chính mình là nhân vật chính của câu truyện. Từng chi tiết thật đến không ngờ. Cũng chính bởi lời văn mộc mạc mà những hình ảnh đó dội vào tâm trí người xem như một giấc mơ ngọt ngào. Ai cũng có một thời con trẻ có lẽ vì thế mà khi đọc đến những dòng văn tả về cảnh chơi trò đào hang, chạy đuổi bắt, những lần thót tim khi ăn trộm vườn hàng xóm hay như một buổi trưa cùng chúng bạn đi bắt cá là cảm giác xôn xao lại ùa về. Bản thân tôi cũng nhớ lại những ngày con nhỏ hay sang cơ quan của cha, tìm đến những bờ ao, bể nước để bắt từng con cá săn sắt. Những kỉ niệm chưa bao giờ gần tôi đến thế. Đơn Phương khác hẳn những câu chuyện đã được sắp đặt theo lối mô tít, theo những kịch bản đã cho trước. Trái lại nó rất tự nhiên, ngây ngô và trong sáng. Tình tiết cứ thế đến, và thái độ của nhân vật cứ thế mà phát ra.
Đơn Phương phản ánh chân thực tâm sinh lý, góc nhìn của nhân vật trong từng giai đoạn, từng sự việc. Người ta có thể thấy rõ ràng những chuyển biến tâm lý của một chú bé tới một cậu thanh niên. Nếu đọc đoạn viết về thuở ấu thơ ta sẽ thấy một chú bé rất hồn nhiên trong sáng qua cách nói chuyện với bạn bè, với ba mẹ. Ta sẽ thấy những rung cảm rất mơ hồ về tình yêu trai gái nảy nở trong lòng một cậu bé với cô bé hàng xóm. Đó là cái sự thinh thích, cái cách ngây thơ bắt chước người lớn tập hôn. Để rồi khi thời gian trôi đi, cậu bé dần lớn những tình cảm cũng thêm lớn hơn. Đó là cảm xúc yêu thương đầu tiên trước một người con gái đẹp, là những hành động ngây ngô trước tình yêu mới chớm thuở học sinh để rồi cho tới cái đớn đau của trải nghiệm tình yêu, những suy nghĩ đầy chín chắn về hạnh phúc lứa đôi khi đã chính thức trở thành một nam sinh viên.
Người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tảo tần đã trở thành một khái niệm kinh điển tồn tại trong ý thức người Việt. Đó là hình ảnh mẹ Cu Đin tần tảo sớm hôm cùng chồng chăm sóc gia đình bé nhỏ, đó là những giọt nước mặt của bà bên người con gái thân yêu. Những giọt nước mắt ôm lấy một tình yêu bao la của người mẹ. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con, không có nỗi buồn nào hơn khi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Những hình ảnh đó có lẽ khiến cho mỗi người bất giác nhớ đến người mẹ yêu dấu của mình. Song quan trọng hơn Đơn Phương đã góp phần đem tới một hình ảnh khác về phụ nữ Việt Nam trong thời đại nhiều đổi thay này thông qua nhân vật Ngọc Hiểu. Một người con gái có ước mơ, nội tâm, biết yêu, biết lo lắng cho những gì thân thuộc nhất. Ngọc Hiểu chi xuất hiện qua cái nhìn của nhân vật chính. Người ta cũng chỉ biết thêm về cô qua những trang Nhật ký. Song chỉ từng đó thôi cũng đã đủ để người ta xây dựng nên một tượng đài, biểu trưng cao nhất con gái ở thời đại này. Một người con gái luôn biết động viên quan tâm tới mọi người. Một người con gái vì chuyện gia đình, vì thương mẹ cha mà đã tự cắn răng gạt đi mối tình của mình. Một người con gái sẵn sàng hi sinh tất cả để người mình yêu hạnh phúc. Và hơn hết chúng ta khâm phục cô vì đây không phải là một nhân vật hư cấu, cô ấy đã tồn tại giữa chúng ta. Một điều hiếm khi gặp ở xã hội đương đại
Đi dọc chiều dài truyện, người ta bắt gặp đủ mọi cảm xúc: vui có, buồn có, chán chường có, căm hận có, bất lực cũng có. Tất cả cũng bởi tác giả đã chân thật với chính cuộc đời và ngòi bút của mình. Nếu những ai đã từng mất đi người thân trong gia đình thì cũng sẽ tự thấy mình trong hình ảnh cậu bé. Đó là một chú bé hiếu thảo, sớm nhận thức về gia đình, yêu thương cha mẹ hết mực và trên hết luôn biết nghĩ về gia đình bằng tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ của một người con, người em. Chắc không ai cầm nổi nước mắt khi cậu bé diễn tả những suy nghĩ về người chị đã đi xa. Điệp khúc thời gian: “ngày thứ nhất chị không về, ngày thứ 2 chị không về, ngày thứ 5 chị không về, mãi mãi chị không về” như mũi dao xoáy sâu vào tâm trí mỗi người đọc. Ai lại có thể không xót xa khi đọc những dòng như thế. Những ai đã từng trải qua chắc sẽ còn thấu hiểu hơn nữa.
Nhưng tất cả kí ức đọng lại khi đọc xong câu chuyện này vẫn là một tình yêu đẹp mà không có kết thúc hậu, một mối tình trắng trong mà phải lìa xa nhau bằng nước mắt và nuối tiếc cho một giấc mơ. Thế nên những ai có tình yêu hãy thấu hiểu và trân trọng hạnh phúc đang có.
Trên đời ai cũng có một mối tình. Có những mối tình trọn vẹn với đích đến là hôn nhân hạnh phúc, có những mối tình dở dang kết thúc trong nước mắt và nỗi đau in hằn trong tâm trí, và có những mối tình mãi mãi lặng câm, nhưng ám ảnh suốt cuộc đời. Và tất cả sẽ tồn tại mãi như những kỉ niệm đẹp giữa ranh giới 2 miền khổ đau và hạnh phúc.
Nuari.