Chương 1
Tại thành phố này, hệ thống cầu vượt thuận tiện và
thông suốt đến khắp nơi, nhìn từ trên cao, trông nó như một đóa hoa cúc với
những cánh hoa nở lộn xộn. Vào giờ cao điểm, dòng xe cộ chậm chạp nhích từng
chút một, khí thải từ trên cao dạt xuống, cộng thêm tiếng ồn khiến con người
như muốn phát điên. Nhưng khi chiều buông, thành phố bắt đầu lên đèn, mọi thứ
như được ban cho phép màu, những cây cầu vượt trở nên rực rỡ, lộng lẫy và trở
thành biểu tượng trong những cuốn sổ tay du lịch của thành phố. Tắm mình trong
sự giao thoa của vô số ánh đèn xe, đèn đường, đèn led, đèn neon… trụ cầu nặng
nề vụt biến mất, khối bê tông rắn chắc cũng được che khuất, trông cây cầu như
lơ lửng giữa không trung, hoàn toàn xứng đáng được coi là biểu tượng của thành
phố.
Vành đai một, vành đai hai, vành đai ba, vành đai bốn…
Liệu những con người trẻ tuổi sống trong các “vành
đai” kia có từng ngờ rằng phần lớn hạnh phúc của họ lại được định nghĩa bởi
những cây cầu vượt đó?
Nhà của Hà Thái Hồng nằm trên đường Cát Tường, ngay
bên dưới cây cầu vượt có mức đầu tư đến hai trăm triệu với chiều dài cả ngàn
mét.
Cô thấy rằng, bên dưới cây cầu vượt mới chính là thành
phố thật sự. Dân cư đông đúc, những con đường chật ních, những cái cây xám xỉn
vì khói bụi, những chiếc taxi như loài gián lạng lách khắp nơi, những tờ quảng
cáo đầy rẫy trên cột điện, những lô cốt tạm bợ cất vội khi xây dựng công trình
hạ tầng, hàng hàng lớp lớp dãy xe đạp xếp chật kín…
Như lời của mẹ Hà Thái Hồng, bà Lý Minh Châu từng nói,
đi trên cầu là xe của người giàu, còn đi bên dưới là chân của người nghèo, vừa
bước ra cửa đã thấy rõ sự phân biệt giàu sang, thấp hèn. “Thế giới này bình
đẳng sao? Chính trị bình đẳng không có nghĩa là kinh tế bình đẳng. Ờ, lúc tắm rửa
ai nấy đều trần như nhộng bên bình đẳng đấy, nhưng mặc quần áo vào rồi thì nam
nữ khác biệt. Ngủ cũng bình đẳng, nhưng giấc mơ thì có khi đẹp khi xấu…” Mỗi
lần xảy ra tranh cãi, trình độ thạc sĩ như Hà Thái Hồng cũng không bao giờ là
đối thủ của Lý Minh Châu, dù bà chỉ có bằng trung cấp. Cô chưa trải đời nhiều,
lý luận suông không đọ nổi với thực tiễn. Từ nhỏ đến lớn, vô số điều trong thực
tế đã chứng minh rằng, nhận định của bà Lý Minh Châu hoàn toàn đúng.
Mỗi ngày đi làm, Hà Thái Hồng đều phải đi qua đoạn
đường gập ghềnh để đến chân cầu chờ xe. So với cây cầu vượt mới tinh, đường Cát
Tường trông đến là cũ kỹ, như cụ già mắc bệnh tim mạch cứ cách một thời gian
lại lên cơn tắc động mạch. Dường như tháng nào cơ quan quản lý đô thị cũng cho
đào đường, phô ra vô số những đường ống đủ màu sắc trong lòng đất, hết sửa ống
nước lại sửa đường dây điện, đường ống ga… Đến khi chẳng còn gì để sửa thì mở
rộng mặt đường, di dời nhà xuống cấp, xây thêm cầu vượt cho người đi bộ, các
công trình của thành phố cứ mải miết được xây lên…
Xe buýt số sáu như con bọ cánh cứng xuất hiện ở trạm
đúng giờ, rồi mang theo cô chậm chạp bò lên cầu vượt. Hằng ngày thời gian vẫn
luôn bị lãng phí bởi nạn ách tắc giao thông, thế nên Thái Hồng thường tranh thủ
khoảng thời gian này để suy nghĩ. Khoảng bốn mươi phút sau, xe vào khuôn viên
yên tĩnh của trường Đại học F. Sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ, Thái
Hồng làm dân trôi nổi quanh trường nửa năm trời, cuối cùng cũng tìm được một
chân trợ giảng trong Đại học F. Giữa thành phố hiện đại, sầm uất này, các
trường học mọc lên như nấm, số lượng nghiên cứu sinh tốt nghiệp mỗi năm lên đến
cả vạn người, nhưng chỉ tiêu giảng viên thì ít ỏi đến mức tội nghiệp. Ngay đến
người có thành tích xuất sắc như Thái Hồng nếu không được giáo viên hướng dẫn
làm luận văn tốt nghiệp đề cử, cũng chẳng biết sẽ phải “trôi” đến phương trời
nào…
Làm trợ giảng được một tháng, Thái Hồng dẫn một nhóm
sinh viên năm hai đến tham quan phòng sách cổ trên lầu năm của thư viện trường,
để làm quen với các thư mục tham khảo.
Hà Thái Hồng từng cắm rễ tại đây suốt mười ngày khi
làm luận văn tốt nghiệp. Cô biết rằng ông Thái, người quản lý phòng này chính
là bố vợ của hiệu trưởng trường, chỉ có kiến thức sơ sài về sách cổ, với độc
giả thì luôn qua quýt cho xong chuyện, câu mà ông thích nói nhất là: “Em sinh
viên này, chắc chắn em là chuyên gia trong lĩnh vực này rồi, chi bằng em tự vào
kho sách tìm quyển này luôn nhé!” Trong khi tờ quy định dán trên cửa ghi rõ
ràng rằng: “Tìm và xếp sách lên giá đều phải do thủ thư phụ trách, bạn đọc
không được tự ý lấy sách.” Thường thì mọi người cần sách gấp nên cũng chẳng
buồn đôi co làm chi. Chỉ có Thái Hồng từng cự lại ông một lần, đó là sau khi cô
nghe đồn kho sách này từng làm mất một quyển sách cổ quý hiếm thời Tống. Cô
khăng khăng yêu cầu ông Thái làm việc theo đúng quy định, kết quả là chờ suốt
hai tiếng rưỡi cuối cùng ông Thái quay về với hai bàn tay không. “Trên cơ sở dữ
liệu ghi là có trong đó nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu hay là cô tự vào tìm thử
xem?” Rồi không nói gì thêm, ông già đi một mạch về bàn ngồi đọc báo, luyện thư
pháp khiến Thái Hồng giận tím mặt. Cho nên kho sách cổ không phải nơi tiện ở
lại lâu, sau khi giới thiệu sơ qua một lượt, cô quyết định đánh bài chuồn, bèn
mỉm cười nói với sinh viên: “Mọi người có câu hỏi gì nữa không? Nếu không, lớp
ta nghỉ.”
Bỗng giữa đám sinh viên, một câu có vẻ ngoài “búng ra
sữa” giơ tay.
“Mời em nói.”
“Cho em hỏi, ở đây có Kim Bình
Mai không?”
Thái Hồng chớp chớp mắt, rồi hít một hơi thật sâu:
“Uhm… cô nghĩ là có.”
“Ở đâu? Chúng em có thể xem không?”
“Ơ… Quyển này chỉ cho các giảng viên có học vị Phó
giáo sư trở lên làm tài liệu nghiên cứu.” Nhận ra ý đùa cợt trong giọng điệu
của cậu sinh viên kia, mặt cô thoáng cứng đờ, nhưng vẫn cố gắng duy trì nụ cười
trên môi.
Ai ngờ cậu chàng chẳng nể nang gì: “Giờ là thời đại
nào rồi mà còn không cho sinh viên xem? Cô tưởng bọn em ham lắm sao? Trên mạng
đầy ra đấy, em chỉ muốn xem để biết sách giấy nó ra làm sao thôi!”
“Ha ha…” Cả đám nhao nhao hùa theo, trong phút chốc,
từng gương mặt trẻ măng kia đều nhìn cô với nụ cười đầy ẩn ý.
Đã sớm nghe danh sinh viên ngành này có truyền thống
thích trêu chọc giáo viên mới. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thái Hồng cũng
từng bắt một thầy giáo già giảng giải “ý nghĩa đời người” cho mọi người nghe.
Kết quả, thầy đọc làu làu câu danh ngôn của bậc thầy truyền cảm hứng – Nikolai
Alekseyevich Óstrovsky: “Đời người chỉ có một, phải sống sao cho khỏi phải xót
xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ
vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng, cả
đời ta, cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự
nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.” Sau một tràng lên bổng xuống trầm,
thầy mỉm cười hỏi lại: “Em à, đấy chính là ý nghĩa của đời người, em có đồng ý
không?”
Ông trời ơi! Liệu cô có thể không đồng ý được sao?
Tùy cơ ứng biến, việc gì rồi cũng có cách giải quyết,
nghĩ vậy, vẻ mặt Thái Hồng dịu xuống, giọng điệu ôn hòa, nói: “Có lẽ các em
không biết, trong thời kỳ xây dựng đất nước, chỉ có những vị quan to như bí thư
tỉnh ủy mới có tư cách đọc quyển Kim Bình Mai này. Em muốn xem sách giấy, thử hỏi em nghiên cứu đề
tài nào? Vấn đề in ấn ư? Ở đây có Thông giám cương lược thời Sùng Trinh, hoàn toàn có thể đại diện cho trình
độ quan khắc của thời nhà Minh. Ông Thái, phiền ông mang một quyển ra cho mọi
người xem thử.”
Ông Thái uể oải đứng dậy, liền bị cậu sinh viên kia
ngăn lại: “Thông giám cương lược? Em xem quyển đó làm gì? Phòng sách cổ mà gì
mà đến Tứ đại kỳ thư cũng không có, thế mà cũng gọi là phòng sách cổ sao? Thư
viện không cho xem sách, thế mà cũng gọi là thư viện ư? Đổi tên thành phòng cơ
mật thì đúng hơn.” Cậu nhóc nóng nảy vặn hỏi một câu.
Thái Hồng nhìn cậu, muốn cười lắm mà không dám, đành
đánh trống lảng: “Uhm… Câu hỏi hay đấy! Em nhất định nhớ đi phản ánh lại với
hiệu trưởng nhé!”
“Nhưng bọn em thật sự muốn xem, tò mò lắm cô ơi, chỉ
lật qua liếc một cái thôi cũng được!” Một cậu sinh viên khác lên tiếng phụ họa.
Cả đám lại nhốn nháo…
Thái Hồng bó tay, lúng túng nhìn ông Thái một cái,
phát hiện ông đang nhìn cô với vẻ hả hê. Quyển sách đó đương nhiên là có, trước
đây cô cũng muốn mượn nhưng chẳng bao giờ mượn được. Dù có mượn được cô cũng
không dám mang ra, bởi nó có rất nhiều hình minh họa. Ngay lúc ấy, một bóng đen
lướt đến sau lưng, đám sinh viên đang vui cười hí hửng bỗng im bặt.
Một sinh viên ngượng ngùng cất tiếng chào: “Thầy Quý!”
Thái Hồng ngoảnh đầu nhìn, một người lạ mặt đứng sau
lưng cô từ lúc nào không hay.
Người lạ mặt cất giọng nói tiếng phổ thông mang khẩu âm
vùng khác: “Phan Tuấn Kiệt, em có biết phòng sách cổ phổ thông ở tầng ba
không?”
“Dạ biết.”
“Đến đó tìm Lý Ngư toàn tập được xuất bản bởi nhà Nhà xuất bản Chiết Giang Cố Tịch
năm 1991. Từ quyển thứ mười hai đến quyển thứ mười bốn chính là sách giấy mà em
muốn xem đấy.”
Thái Hồng vội bảo: “Các em ấy không hỏi về Lý
Ngư.”
Nét mặt người đó vốn lầm lì, lừ mắt liếc qua, không
những trông hung dữ mà còn có vẻ đang rất bực mình. Anh nhìn đồng hồ, quay gót
định bỏ đi, trông thấy Thái Hồng vẫn đang trừng mắt nhìn mình, đành nói: “Ba
quyển đó chính là Kim Bình Mai – bản khắc hình mới.”
Cậu sinh viên họ Phan đánh bạo hỏi: “Thưa thầy, đó là…
bản đầy đủ phải không ạ?”
“Bản tóm lược. Thầy tin rằng cái mà em muốn xem không
phải nội dung “người lớn”, mà là muốn tìm hiểu chính trị, kinh tế, văn hóa và
văn học đại chúng thời Minh, phải không?”
Anh giỏi lắm, trong lúc này đố ai dám nói không phải
nào?
“Dạ phải, phải ạ. Cảm ơn thầy!”
Thật là biết lựa gió phất cờ. Đối với cô giáo thì cứ
bám riết không buông, truy cùng đuổi tận, còn gặp thầy giáo thì luôn miệng dạ
vâng vẻ nịnh hót.
Kỳ thị! Rõ ràng là kỳ thị giới tính mà!
Các sinh viên lập tức giải tán, Thái Hồng thở phào nhẹ
nhõm, đang định mở lời thỉnh giáo thiên thần đến giải vây là thần thánh phương
nào, vừa ngẩng đầu, người đó đã biến đâu mất. Cô vội hỏi ông Thái: “Người ban
nãy là…”
“Không biết.”
Sau vài phút hàn huyên với ông Thái, rồi lật xem vài
quyển sách, Thái Hồng nhìn đồng hồ, còn một tiếng nữa mới đến giờ cơm trưa. Cô
cảm thấy cổ họng khát khô, bèn xuống lầu tìm nước uống. Trong lúc đợi thang
máy, cô lướt đọc bảng thông báo bên cạnh. Hóa ra hôm nay ở tầng này có một hội
thảo học thuật với chủ đề: “Nghiên cứu về Bakhtin và chủ nghĩa giới tính” do
ngành Nga văn và Trung văn của hai trường đại học thành phố đồng tổ chức. Dưới
bảng thông báo có ghi chú: “Hội thảo có miễn phí cà phê, trà và đồ ngọt.”
Hà Thái Hồng đường đường chính chính tiến vào bên
trong, tự rót cho mình một cốc cà phê Maxwell đậm đặc và nhón lấy một chiếc
bánh kem hạnh nhân ở cửa vào, tìm chiếc ghế trống ở dãy sau rồi lẳng lặng ngồi
xuống. Mục đích của cô chỉ là ăn xong rồi đi, nào ngờ phát hiện giọng nói phát
ra từ micro hơi quen, nhìn kỹ, người đang phát biểu chính là thầy Quý ban nãy.
Cô quan sát một cách kỹ lưỡng, anh khoảng hơn hai mươi tuổi, vóc người tầm
thước, mảnh mai, da ngăm ngăm. Mặt hơi gầy, nhưng đường nét sáng sủa, toát lên
vẻ thông minh, nghiêm nghị. Thái Hồng thầm nghĩ, tướng mạo thế kia đúng là
chẳng có duyên giao tiếp xã hội, một khi gây ra sai phạm, chắc chắn sẽ rất khó
được tha thứ. Nghe những lời anh ta nói trong thư viện ban nãy, còn tưởng anh
ta là giảng viên môn Văn học cổ điển chứ, bây giờ lại xuất hiện trong hội thảo
về Bakhtin, có hơi kỳ lạ.
Thầy Quý này nói suốt hai mươi phút vớ vẻ hùng hổ, sắc
lẹm khiến Thái Hồng cảm thấy lưng như bị kim chích. Cô đã gặp những nhân tài
mới nổi như thế trong giới học thuật, họ trình bày thao thao bất tuyệt, nhìn
người bằng nửa con mắt, mang lý luận ra chơi đùa, bóc tách từng mảng một, phân
tích từng lớp khiến người nghe hoa mày chóng mặt, nhưng nghĩ kỹ, lại chẳng tìm
ra được điểm chính, cũng không biết điều cốt lõi nằm ở đâu. Bạn sẽ nhận được
nhiều sự khơi gợi, đồng thời cảm thấy anh ta mới mẻ, sáng tạo thiếu căn cứ. Với
những học giả thuộc dạng “giác ngộ” này, bạn phải đứng cùng tầm cao với anh ta
thì mới có thể theo kịp lối tư duy của anh ta. Đương nhiên, bọn họ dễ gây sự
phản cảm từ những thầy giáo già nhất. Quả nhiên, các giảng viên trẻ bên dưới
ghé tai rì rầm với nhau, vui vẻ thích thú, còn các vị giáo sư già ngồi dãy đầu
thì mặt mày lạnh tanh, chẳng ai có ý kiến gì. Quan điểm học thuật của Thái Hồng
không thuộc dạng bảo thủ, những cũng chẳng chịu nổi thái độ độc đoán của anh
thầy này, có lẽ là người của trường khác phái đến dựng “võ đài” ở đây chăng?
Lật giở tập tài liệu trên tay, cô tìm thấy thông tin
sơ lược về anh: Tiến sĩ Quý Hoàng, bộ môn Lý luận văn nghệ - khoa Văn – trường
Đại học F. Cô không khỏi ngạc nhiên, đấy chẳng phải cùng ngành sao? Còn là đồng
nghiệp nữa chứ. Sao cô chưa từng nghe kể về người này nhỉ? Ngẫm nghĩ một hồi cô
mới bình tâm trở lại, cô đến đây cũng mới được một tháng, khoa Văn lại lớn thế
này, những người cô chưa từng nghe nói chắc chắn là nhiều vô kể.
Báo cáo kết thúc, giờ là phần hỏi đáp. Hà Thái Hồng
nhã nhặn giơ tay: “Bài báo cáo của thầy Quý có những dẫn chứng phong phú khiến
người ta có được sự thức tỉnh sâu sắc. nhưng tôi có một thắc mắc nhỏ, thực ra
là một chuỗi câu hỏi. Xin hỏi, tác phẩm của một tác giả nam làm thế nào để thể
hiện kinh nghiệm của phái nữ? Làm thế nào để bật ra được tiếng nói thật sự của
phụ nữ? Làm sao chúng ta có thể khẳng định được rằng người phụ nữ trong các tác
phẩm đó không phải là sản phẩm tinh thần của tác giả nam? Chốt lại một câu,
tiểu thuyết ngập tràn sức tưởng tượng và góc nhìn của đàn ông làm sao có thể
đại diện cho phụ nữ?”
Một mũi tên trúng ngay hồng tâm. Yes!
Thái Hồng thầm nghĩ, thầy Quý ơi, tiếp chiêu đi!
Hàng ghế thính giả xôn xao. Người ở dãy bàn trên quay
xuống nhìn cô, ánh mắt đầy sự khen ngợi.
Một giây, hai giây, ba giây…
Sau tiếng rít chói tai vang lên từ micro, anh chàng
tên Quý Hoàng đó cất giọng: “Chắc hẳn cô giáo này đã đọc qua Hồng
lâu mộng, xin hỏi Lâm Đại Ngọc có thể đại
diện cho phái nữ không? Vương Hy Phượng có thể đại diện cho phái nữ không? Tác
giả Tào Tuyết Cần có phải đàn ông không? Liệu cô có phải đã quá cố chấp với chủ
nghĩa bản chất giới tính chăng? Hay là quá tin vào chuyện các tác giả nam, nữ
do sự khác biệt về mặt sinh học nên trong sáng tạo cũng sẽ lộ rõ bản chất giới
tính? Chẳng lẽ cô không thấy rằng bản thân việc sáng tạo là vô giới tính sao?”
Thái Hồng nhấp một ngụm cà phê, cười: “Tôi không nghĩ
sáng tạo là một hoạt động vô giới tính. Thầy đã quá xem nhẹ tính quy định của
hình thái ý thức đối với chủ thể sáng tạo, thầy đã xem thường sự vận động của
nhân tố quyền lực trong tác phẩm văn học. Tiếng nói của phụ nữ phải tìm kiếm
trong tác phẩm của nữ giới.”
“Tôi không phủ định trong tác phẩm của nữ giới có rất
nhiều tiếng nói của người phụ nữ, nhưng xin đừng quên, dưới sự ảnh hưởng của ý
thức chế độ phụ hệ, việc phụ nữ vứt bỏ sự khống chế lời nói để tượng tượng ra
một bản ngã tự do thuần túy vẫn là một thách thức rất lớn. Từ điểm trên mà nói,
cho dù là tác phẩm của nữ giới cũng không thiếu tiếng nói của phái nam…”
MC hắng giọng, ra hiệu câu hỏi của Thái Hồng đã chiếm
quá nhiều thời gian rồi, nhưng Thái Hồng vẫn muốn nói tiếp, vừa mở miệng đã
nghe MC giảng hòa: “Thực ra đây là vấn đề gà đẻ trứng trước hay trứng nở ra gà
trước, tiếng nói của nữ giới là gì cần phải nghiên cứu và định nghĩa một cách
nghiêm túc. Xin mời người báo cáo tiếp theo là thầy Điền của trường Đại học E…”
Thái Hồng giận sôi máu, một đề tài hay thế, đang thảo
luận dở dang lại bị người ta cắt ngang. Từ khi nào mà giới học thuật lại trốn
tránh vấn đề, hời hợt, sơ sài thế kia? Cô hối hận vì đã bước vào phòng hội thảo
này, nốc cạn cốc cà phê, nhét nốt miếng bánh kem vào miệng, cô bỏ về ngay giữa
buổi hội thảo.
Ở tầng một cô gặp người quen, dừng chân trò chuyện đôi
ba câu. Vừa bước ra cửa đột nhiên có bóng người chặn cô lại.
Ngẩng đầu lên, hóa ra là thầy Quý ban nãy.
“Cô là ai?” Anh chẳng khách khí hỏi.
Thì ra người này không những hùng hồn, hung hăng, mà
còn bất lịch sự.
Hà Thái Hồng quắc mắt nhìn, cười nhạt: “Tôi cảm thấy,
chí ít thầy phải sửa câu hỏi thành: “Cô tên gì?”, hoặc “Quý danh của cô?” chứ!”
“Cô là ai?”
Thái Hồng lườm anh, nghênh mặt nói: “Tôi là ông nội
của anh.”