Chương 1: Ghi chú của Nhà xuất bản (trong bản tiếng Anh)

Bản dịch Thiên Táng bằng tiếng Anh có đôi chút khác biệt so với bản gốc tiếng Trung. Trong quá trình dịch, tác giả đã làm việc với các dịch giả và biên tập viên của sách để đảm bảo rằng ngay cả những độc giả không phải người Trung Quốc cũng có thể hiểu mọi điều trong đó.

Theo cách đặt tên của Trung Quốc, họ được đặt trước tên. Bởi vậy tên của Thư Văn là Văn.

Lời Tác Giả

Khi lên năm tuổi, tôi nghe được một đoạn ngắn trong một cuộc trò chuyện trên đường phố Bắc Kinh, nó cứ nằm mãi trong đầu tôi không chịu rời đi:

“Người Tây Tạng chặt thân thể anh ta thành hàng nghìn mảnh rồi vứt cho lũ chim kền kền ăn.”

Cái gì? Chỉ vì giết một con chim kền kền? Một người lính của chúng ta phải trả giá cho cái chết của một con chim kền kền bằng chính mạng sống anh ta sao?

Đó là năm 1963. Ở Trung Quốc người ta nói rất ít về Tây Tạng, và cũng ít người biết được điều gì về nơi đó. Tất nhiên là chúng tôi có đọc báo về “công cuộc giải phóng” vẻ vang vùng đất Tây Tạng, nhưng còn các tin tức khác về đất nước này thì rất hiếm thấy. Là đứa trẻ mới năm tuổi, tôi lật đi lật lại mẩu chuyện đó trong đầu, cố gắng hiểu ý nghĩa của nó, thế rồi, rốt cuộc, nó phai mờ khỏi trí nhớ tôi.

Năm 1994, tôi đang làm báo ở Nam Kinh. Suốt một tuần lễ, tôi xuất hiện trong chương trình phát thanh đêm khuya chuyên bàn về các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của phụ nữ Trung Quốc. Một thính giả của tôi từ Tô Châu gọi điện đến, nói rằng anh ta gặp một người phụ nữ kỳ lạ trên phố. Anh ta và bà ấy cùng mua cháo của một người bán dạo trên phố, họ nói chuyện với nhau. Người phụ nữ đó vừa từ Tây Tạng trở về. Anh ta nghĩ tôi có thể thấy thú vị nếu phỏng vấn bà ta. Tên bà ta là Thư Văn. Anh ta đọc báo cho tôi tên khách sạn nhỏ nơi bà đang ở.

Tính tò mò trỗi dậy, tôi thực hiện chuyến hành trình dài bốn giờ đồng hồ bằng xe buýt từ Nam Kinh tới thành phố Tô Châu náo nhiệt, mặc dù được xây dựng lại rất hiện đại nhưng vẫn còn lưu giữ nét đẹp vốn có - những con kênh, những ngôi nhà có sân nhỏ xinh xắn với “nguyệt môn” và mái hiên trang hoàng, những khu vườn nước và truyền thống dệt lục cổ xưa. Tại đó, trong một quán trà thuộc khách sạn nhỏ kế bên, tôi thấy một bà lão mặc trang phục Tây Tạng, mùi da thuộc cũ kỹ, mùi sữa ôi và phân thú bốc lên nồng nặc. Mái tóc bạc của bà tết thành hai bím rối bù, làn da nhăn nheo trông dạn dày nắng gió. Nhưng dù trông rất Tây Tạng, bà vẫn mang những nét đặc trưng của phụ nữ Trung Quốc trên khuôn mặt - mũi nhỏ hơi hếch, “miệng hình quả mơ”. Khi bà cất lời, giọng nói của và ngay lập tức xác nhận với tôi rằng quả thực bà là người Trung Quốc. Vậy thì phải giải thích thế nào về diện mạo Tây Tạng của bà đây?

Tôi lắng nghe câu chuyện của bà trong hai ngày. Khi quay trở lại Nam Kinh, đầu óc tôi như quay cuồng. Tôi nhận ra rằng mình đã tìm thấy chìa khoá giúp tôi giải mã mẩu trò chuyện đầy ám ảnh mà tôi nghe được cách đây nhiều năm, khi còn thơ ấu ở Bắc Kinh. Tôi cũng nhận ra rằng mình vừa gặp một trong những người phụ nữ đặc biệt nhất tôi từng biết.

_________________