Chương 1: Trở về

Tân Sơn Nhất, 2pm, mùa hè 2021, Tôi, 28 tuổi.

Sài Gòn mùa hè có gì nổi bật? Xin thưa, nắng nung chảo mỡ chính là đặc điểm nổi bật nhất khi nhắc tới mùa hè ở Sài Gòn. Ngoài nắng còn có, ừm, mưa nắng mang theo độ ẩm cao khiến mồ hôi nhễ nhại, khắp người bức rức… Nói chung là, cực kì khó chịu. Với một du khách mà nói, mùa hè ở Sài Gòn, thật sự không thích hợp để làm một chuyến du lịch, cùng lắm thì tốn tiền vé về đây để rang mỡ giảm béo. Còn với Việt Kiều hồi hương như tôi mà nói, mùa hè Sài Gòn chưa bao giờ buồn chán. Mùa hè năm nay vẫn như mười ba năm về trước, ngày hôm nay, cũng giống như mười ba năm về trước.

Vừa ra cổng kiểm soát, tắm mình vào cái nóng ẩm nực mùi người và tiếng ồn, tôi như sống lại cái thuở mười sáu năm ấy. Bên tai lại lanh lảnh giọng thơ Nguyên Sa,

‘Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…’

Ừ, quả thật chỉ hợp khung chữ ‘nắng,’ vì cảm xúc của tôi lúc này ngoài chữ ‘nóng’ thì không còn kẽ để nhét vào chữ ‘mát.’ Ừ, có lẽ, vì tôi còn chưa thấy ‘áo lụa Hà Đông’ của mình ở đâu cả.

“Chị! Bên này! Tụi em ở bên này nè!” có nhiều người đứng ngoài vòng rào hò reo vui sướng, nhưng cái giọng lanh lảnh trong trẻo đó là lọt vào tai tôi. Mấy tiếng í ới còn lại chỉ là tạp âm, bởi vì nghe không ra mà.

Tôi đẩy xe hành lý về phía cô gái có đầu tóc đỏ hoe, búi cao củ hành. Cậu trai trẻ đứng bên cạnh cô nhóc lập tức tiến tới, đưa tay đón lấy xe đẩy và túi xách của tôi, để tôi và cô nhóc hành củ có thể thoải mái lấy đà lao vào nhau hự hự thật đã. Cái màn chào hỏi dã man này là từ lần trước cách đây năm năm khi tôi trở về Mỹ, cả bọn đã hẹn nhau khi gặp mặt nhất định phải diễn màn này. Nói thật, khi đó vì cao hứng quá, nên tôi đã quên độ mỏng của thân mình, bây giờ mới biết tai hại dường nào. Nếu không có cái hàng chắn đỡ thân, chắc cả hai đứa điên đã ngã ngửa ra giữa lối đi mặc người chà đạp.

“Lưng! Lưng! Cái lưng của chị!” tôi nghe tiếng mình ré lên, kèm với tiếng da thịt đụng kim loại, hai thứ này thật sự không thể đem ra chọi nhau được nha.

Con nhóc củ hành buông tôi ra, rồi đảo cặp mắt hạnh một lượt khắp người tôi, cười gian tráo đến mức cậu em rể tương lai của tôi cũng phải ngượng ngùng. Nhìn đã mắt, cười đã miệng, nó mới chớp mắt đỏ mặt bắt đầu huyên thuyên, “Chị nha, về mà không báo, em còn tưởng chị không về! Hên sao Cô Tư gọi về cho ba em, mới biết chị lên máy bay rồi, giờ giấc cũng không để lại, làm cho Cô Tư với Bác Tư ở bển quay vòng vòng như chong chóng!”

Tôi khoát khoát tay, cùng với nó đi theo em rể ra khỏi biển người. Nãy giờ tôi không bị thịt của nó chẹt chết thì cũng bị hơi người trong kia nghẹt chết. Ra tới chỗ đón taxi, tôi mới thả tay nó, thở hổn hển, “Không thì làm sao chị trốn được một chuyến thoải mái? Em nghĩ hai mươi tám tuổi đầu mà đi đâu cũng phải có mẹ già kè một bên sung sướng lắm chắc?”

“Hè hè, thì em có nói gì đâu! Chị về đám cưới tụi em, mừng không hết nữa chứ! Mà, lần này chị ở mấy tuần? Nhớ lần trước về đem chị Thư đi, tạt qua có mấy ngày…” cười một cái thật ngọt, thế là mặc ai thì mặc, cô dâu sắp lên xe bông bắt đầu huyên náo.

Quên nói, con bé này là Tuyết, con cậu Năm tôi, thấy vậy chứ cô nàng và tôi chỉ hơn kém nhau mấy tháng, vậy mà một tiếng ‘chị’ nó gọi còn ngọt hơn nhỏ em ruột của tôi.

Có lẽ vì nó cũng là con gái lớn giống tôi, thường mấy đứa con gái lớn đều thích có một người chị lớn để nhõng nhẽo, mà tôi không hiểu sao lại trở thành đối tượng idol của nó. Trời sinh Tuyết da dẻ trắng như trứng gà lột, lại sinh vào cuối thu, nên cậu mợ đặt nó tên Thu Tuyết. Lúc nhỏ không nghĩ nhiều, sau này lớn một chút, lại nghĩ, ‘Thu Tuyết,’ cái tên này hơi buồn, hình như không hợp với nó cho lắm. Tính nó hoạt bát, lanh lợi, lắm khi cáo già, nịnh hót giỏi, từ khi trưởng thành, tôi cũng chưa thấy nó khóc bao giờ.

Lại nghĩ, tôi với nó cách nhau nửa vòng trái đất, nó có khóc hay không, làm sao tôi biết được.

Dù sao, nước mắt của những người trưởng thành không dễ rơi. Có chăng nữa thì cũng không dễ thấy.

Người cùng nó ‘đón đường’ tôi là Khoa, chồng sắp cưới của nó. Thắc mắc vì sao tôi gọi anh chàng là ‘cậu trai trẻ’ khi mới gặp không? Hì hì, bởi vì anh chàng nhỏ hơn chúng tôi một tuổi. Khi tôi biết điều này, đã gật đầu tấm tắc, ‘Con Tuyết đúng là con cậu Năm, quá nham hiểm. Gìa không bỏ, nhỏ không tha…’ đổi lại một cái liếc mắt khinh bỉ của mẹ tôi. Cái liếc mắt này cũng có ngọn nguồn sâu xa của nó, không phải vì bà bênh cháu gái, chẳng qua theo ý kiến của bà, tôi còn cần phải học tập Tuyết nhiều hơn.

Học tập là một điều tốt, nhưng mà học cái gì?

Xin thưa, học cua trai.

Nói thật, khi mẹ và Dì Hai tôi phun ra hai chữ này, tôi chỉ muốn cắn lưỡi giả chết cho xong chuyện. Chị ba Thu, con gái lớn của Dì Hai, đã lập gia đình từ chín năm trước, sau khi nghe tôi kể khổ trong điện thoại, đã thật tình cho tôi vài lời khuyên bổ ích của một phụ nữ có gia đình như sau, “Em thoải mái một chút đi, chưa muốn lập gia đình nhưng ít nhất cũng phải có người yêu. Thử một lần coi, nếu hợp thì cưới. Không lẽ cứ suốt ngày lông bông vậy hoài?”

‘Lông bông,’ tôi ‘lông bông’ khi nào?

Đi làm, đi học, về nhà ăn rồi ngủ là nếp sống của thanh niên tiên tiến tiêu chuẩn, mà sao ai cũng không vừa mắt… Thậm chí, mẹ tôi còn sốt sắng tống tôi ra khỏi nhà hơn tôi tưởng. Ngày nghỉ trước kia đối với tôi là thiên đường, nhưng bây giờ chẳng khác gì địa ngục, nhất là vào khoảng thời gian hai đứa thiên binh này phát thiệp hồng ‘võ lâm,’ mẹ tôi, Dì Hai tôi, chị Thư, nhóc Quỳnh, cả ba già dấu yêu của tôi cũng thay phiên sắp xếp dẫn tôi đi thăm nhà người này, gặp mặt người nọ. Mà điểm chung của các nhà là đều có trai lớn chưa gả… à quên, chưa cưới.

Nghĩ đến thảm cảnh nửa năm qua của mình, tôi rùng mình. Tự dưng thấy nắng hôm nay thiệt lạnh.

Chuyến đi này chẳng qua là trong lúc cao hứng, công ty nơi tôi đã công tác cần mẫn suốt bảy năm qua bỗng dưng tuyên bố bankrupcy, ông chủ niệm tình tôi làm thư ký, kiêm quản lý, kiêm đốc công, một người ba việc suốt mấy năm trời, nên ứng hết lương tháng, cộng thêm lương nghỉ bệnh, tiền thưởng cho tôi lần chót. Cầm mớ tiền đó trên tay mà nước mắt rưng rưng, không ngờ ngày mình được tiền thưởng lại là ngày giải thể công ty, ông chủ à, cạy răng ông thiệt quá khó.

Trước khi xin việc mới, tôi muốn tranh thủ làm một chuyến du lịch ao ước đã lâu. Vốn định chuồn êm một mình một ngựa cho thảnh thơi, có ngờ đâu lại bị hai đứa này đón đầu ngay tại sân bay.

Hai mươi lăm, hâm đi hâm lại. Hai mươi tám, chạy trời không khỏi nắng, thiệt khổ thân.

Sau một chuyến bay mệt nhọc, về tới nhà cậu lại bị nhào qua nhào lại, chào hỏi nhiều gương mặt thân quen, cuối cùng tôi cũng có thể lăn lên giường lúc đồng hồ điểm nửa đêm. Mệt chết người, nhưng đầu óc thật tỉnh táo, không một chút buồn ngủ, đá mở rương con Tuyết, lôi bộ Jindo ra đọc. Ừ, tái bản, hình đẹp chữ rõ, đọc thích mắt thật.

Tuyết cũng lăn lên giường, nằm cạnh tôi. Nó cười gian, cái móng heo ở dưới mền lần mò sờ lên. Tôi chụp lại, cắn một phát làm con nhỏ ré lên như heo bị thọc tiết. Nó lắc lắc cái móng heo trắng múp, chớp mắt dẩu môi nhìn tôi, “Chị giống chó quá! Lâu lâu kiểm hàng mà hổng cho!”

Tôi lườm một cái, cười cười, “Có kiểm thì cũng là chị kiểm cưng mới đúng! Sắp về nhà chồng rồi, ít ra phải kiểm để coi hàng có khui chưa nè…”

Gò má trắng noãn của con nhỏ đỏ lựng lên tức thì, giơ móng tạt vào vai tôi một phát thiệt mạnh làm tôi lộn đầu xuống nệm. “Chị này, làm em ngại chết mẹ!”

Con nhỏ này, nhìn thì thục nữ, mà ra tay lúc nào cũng uy lực như siêu xay-da, miệng thì tục như gã lùn Jindo trong Đường Dẫn Đến Khung Thành. Tôi bò lên nệm, âm thầm mặc niệm cho em rể tương lai một giây. Mẹ nó chứ, đẹp thì đẹp đấy, nhưng mà em quá mức bạo lực rồi em gái, chả trách sao cậu mợ quyết liệt phản đối không cho nó học võ cái năm chúng tôi mười tuổi, khiến cho ba mẹ tôi cũng lắc đầu không cho tôi học luôn!

Phải chi cái vận đào hoa của nó cũng lây sang tôi giống như vậy thì quá tốt rồi…

Kể cũng lạ, nhớ những năm một ngàn chín trăm hồi đó, khi tôi và nó bắt đầu đi học lớp dự thính. Trong khi tôi chăm chỉ học tập, dù bạn học đều già hơn mình một tuổi, còn nó thì suốt ngày hả họng ngủ như cá chết, vậy mà cô giáo lúc nào cũng chèn ép tôi. Nó ngủ riết thành ngu, bị người ta ăn hiếp, tôi làm chị phải bênh vực nó, lại bị cô giáo phạt… Nói chung, thời thơ ấu của tôi trôi qua bằng một câu, ‘quýt làm cam chịu,’ còn may là trưởng thành cách nhau nửa vòng trái đất, vậy mà tới khi nó lấy chồng, tôi cũng bị vạ lây, bây giờ chỉ còn mong cậu em rể tương lai mau mau rước nó đi cho tôi nhờ.

Tắt đèn im ắng, thỉnh thoảng có tiếng đua xe dưới đường, còn lại đều là một mảnh tĩnh mịch. Khi tôi mơ màng, tưởng nó đã ngủ, lại nghe nó khẽ giọng nói, “Chị… lúc em hỏi chị có về không, chị nói không nên em…”

Còn tưởng chuyện gì, dù sao cũng chỉ một tấm thiệp ‘võ lâm anh hùng,’ nên tôi vỗ vỗ tay nó, ngáp, “Không sao, chị ngồi bàn nào cũng được, nếu không để chị nói thẳng với em rể, em khỏi lo ngại…”

“Ý em không phải cái đó! Là chuyện em nhờ chị đó!” con bé níu tay tôi kéo kéo.

“Phù dâu hả? Thôi, ai làm mà chả được, với lại làm phù dâu dễ mất duyên lắm, chị không làm đâu.” Cũng không có bao nhiêu duyên để mất. Tôi lại ngáp thêm một cái, chảy nước mắt luôn.

“Thì đó… chị không làm… mà mấy đứa khác trong nhà cũng không thích làm, bạn em thì có gia đình hết rồi… nên em hỏi Khoa, ảnh nói để ảnh lo.”

“Ừ, vậy là được rồi. Bớt được cái gì đỡ cái đó, em làm cô dâu phải giữ sức nếu không là mệt chết.”

“Chị nói dớ dẩn cái gì đó?” vì phòng tối nên tôi không nhìn ra mặt nó, chỉ nghe giọng nó hơi sửng sốt, hơi run một chút.

“Thì rút kinh nghiệm từ đám cưới bà Thu, bà Thư, mặc dù chị không dự, nhưng nghe mẹ chị kể là cực ghê lắm… Ờ, nếu em cần thì cứ để thùng tiền chị canh cho.”

Im lặng một hồi, tôi tưởng nó đã thông suốt, ai dè nó lại hừ một câu bỏ ghét, “Thùng tiền chị cứ ôm đi, dù sao nhà mình cũng không có ai thèm ngồi bên thùng tiền. Chị ngồi chung với phù dâu đi, dù sao con Trúc cũng không quen thân ai, chị cũng nửa mùa thì cứ ngồi đó cho yên.”

Đầu tôi mơ mơ hồ hồ, chốc sau mới hỏi lại, “Trúc? Trúc nào?”

Giọng Tuyết lúc này vang lên rõ ràng, rành mạch, dường như vô cùng hưng phấn giống như sắp sửa thành công cường gian con nhà lành, “Còn Trúc nào nữa, thì cái con Trúc đó đó! Chị quen thân quá mà, chị với nó học chung cấp hai, lẹo tẹo lên cấp ba lại cùng trường, nếu mà chị không di cư theo bác Tư với cô Tư, chắc giờ cũng còn dính với nó… Ờ, nó cũng làm trong ngành xuất bản giống chị đó, đồng sự với chị của Khoa, cả đám bọn họ quen thân. Haha, không biết lúc hai người đụng mặt nhau có đổ máu không nữa…”

Thấy chưa, tôi nói mà, con nhỏ này đâu có hiền lành như bề ngoài của nó. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy một đứa yểu điệu dịu dàng, hiền lành trong trẻo như nó và một đứa khô khan cọc cằn, bốc đồng dở người như tôi thân nhau từ hồi lọt lòng. Người lớn trong nhà nhiều lần cũng tự hỏi nhau, vì sao hai đứa này lại có thể như hình với bóng trong khi tính cách lẫn ngoại hình đều hoàn toàn đối lập. Chỉ có tôi mới biết, cũng chỉ có nó mới hiểu, tất cả là vì hai đứa tôi quá giống nhau, là giống về mặt tư tưởng, cách nhìn, chỉ khác ở chỗ phương thức biểu đạt và lựa chọn của bản thân.

Trúc, cái tên này rung một hồi chuông trong đầu tôi. Mười ba năm không gặp, không có nghĩa là hoàn toàn cắt đứt tin tức, chẳng qua là, chúng tôi đều lựa chọn bỏ qua nhau.

Tuổi trẻ, có quá nhiều mộng mơ, quá nhiều hoài bão, nhiệt huyết. Tuổi trẻ, cũng là lúc chúng ta đưa ra những quyết định, những lựa chọn của riêng mình. Cho dù là vô cùng nhỏ nhặt, nhưng đều ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai. Những chuyện mười ba năm về trước, và cả trước đó nữa, tôi đã sớm mơ hồ không còn nhớ rõ, nhưng Trúc, tôi vẫn nhớ, vì có một đoạn thời gian, tôi đã rất ghét cô ấy…

Tôi và Trúc không phải bạn, cũng không phải thù. Cho tới bây giờ, tôi vẫn có thể nhìn thấy một tầng lưới mỏng mập mờ giữa hai đứa. Đứng giữa tầng lưới đó, là Kiệt.

Tôi luôn cho rằng, một người chỉ có thể thích, yêu một người, cho nên những chuyện tay ba tay tư là vô cùng dớ dẩn, bởi vì tình cảm là phải dứt khoát, nếu có nguy cơ thì phải lập tức bóp nát nó từ trong trứng nước. Nhưng, mười sáu tuổi, có ai biết dứt khoát là cái gì, dựa vào đâu để làm một quyết định dứt khoát, lấy cái gì để lý luận đúng sai? Mười sáu tuổi, chúng tôi đều ngu ngốc như nhau, lại là lúc làm ra những hành động dớ dẩn nhất. Bản thân tôi lại là đứa bốc đồng, hành động nhanh hơn suy nghĩ, trái với Trúc luôn từ tốn kín kẽ. Ừ thì từ tốn, ừ thì kín kẽ, Tuyết lại cho rằng, đó là gian xảo, là dối trá.

Bây giờ, dùng đầu óc và sự sành sõi được đúc kết từ những năm lăn lộn trong đời, tôi cũng không nhìn ra được Trúc của ngày trước. Làm sao biết một người đang nói dối? Tôi không phải nhà tâm lý học. Làm sao nhìn thấy được dối trá? Tôi cũng không phải là thanh tra thẩm vấn. Làm sao biết được tương lai? Tôi lại càng không phải nhà tiên tri.

Năm đó, tôi ‘tặng’ cô ấy hai bạt tai, đổi lại một cái hất tay của Kiệt. Năm đó, tôi theo nhà di cư mà không nói một lời với họ. Khi đó tôi nghĩ, tốt nhất là cả đời này sẽ không, và cũng không cần phải gặp lại.

Đúng là, mẹ nó chứ, trái đất vẫn là hình tròn, cho dù là bầu dục thì cũng không phải hình vuông.

Sáng sớm bị dựng đầu dậy, sau khi làm một lượt thăm hỏi bà con, Tuyết chở tôi xuống chùa, ra thăm mộ. Mộ ông ngoại được xây trong chùa Hoằng Pháp, nơi này phong thủy tốt lắm, nhìn thế nào cũng được mắt. Bên cạnh là mộ của anh hai và dì Bảy. Ông ngoại mất năm tụi tôi năm tuổi. Tôi còn nhớ, buổi trưa hôm ấy, khi trường đang ngủ trưa, còn tôi đang ôm cơm ngồi nhâm nhi, chị ba Thu lên xin cô giáo dẫn tụi tôi về. Chỉ hơn tụi tôi chín tuổi, nên hiểu biết nhiều hơn, ít ra, khi ấy chị biết thế nào là chết. Còn tụi tôi thì chỉ nghĩ là ông ngoại đang ngủ thôi, một giấc ngủ thật dài, thật dài… Anh hai và dì Bảy đều mất từ khi còn nhỏ, mẹ nói anh khi sinh ra được một tuần thì mất, dì Bảy thì vào năm ba tuổi, vì thấy tiền rơi trên đường nên chạy ra nhặt, bị xe máy tông chết… Tổng kết lại, gia đình bên ngoại tôi có tổng cộng ba ngôi mộ, đều là những người gần nhất với tôi.

Mỗi lần thắp nhang, tôi đều tự hỏi, không biết họ có thấy không, có lảng vảng quanh đây không, hay là đã sớm đi đầu thai rồi cũng nên. Dĩ nhiên mấy cái này tôi không dám hỏi người khác, dù sao thì cũng nên tế nhị một chút kẻo lại ăn bạt tai. Ừ, dì Hai thích nhất là cho đám nhỏ hư hỏng tụi tôi ăn bạt tai, trong khi mẹ tôi thích màn cốc đầu hơn. Cứ nhìn đầu cậu Năm tôi thì biết, là do một tay mẹ tôi nên mới hói được như vậy!

“Chị, sao mặt dại ra vậy?” Tuyết huých eo tôi một cái.

Tôi cười cười lắc đầu, không dám nói với nó là tôi vừa nghĩ tới mái đầu bóng của ba nó. Trên đường về, tôi ghé vào một căn tiệm trước cổng chùa lựa vài chuỗi ngọc. Không biết vì sao, mỗi lần lên chùa, tôi đều phải ghé vào lựa về vài xâu, có lẽ là thói quen thích sưu tập chuỗi ngọc, cũng có lẽ, trong lòng tôi vẫn có chút gì đó đang kêu gọi. Đừng hiểu lầm, tôi rất thích thịt, không hề có ý định quy y, chỉ là mỗi lần về Việt Nam, tôi đều thấp thỏm không yên, bắt gặp một bóng lưng quen thuộc, hoặc lướt xe ngang nhìn trường cũ, tôi đều có thể nghe tiếng trống ngực đập bình bịch.

Có lẽ, từ trong sâu thẳm, tôi vẫn đang chờ đợi một bến đỗ bình yên.

“Dây đó đẹp quá, đổi với em đi! Em muốn mua cho Khoa!” Tuyết chỉ xâu hạt màu xanh sẫm đốm đen trên tay tôi, hai mắt sáng rỡ. Đây là xâu hạt cho đàn ông, là màu xanh mà tôi thích. Tôi hỏi thím bán hàng, thím cười nói chỉ còn một xâu này. Tuyết nhìn tôi, mắt chớp lia chớp lịa, đào hoa bắn tứ phía. Tôi nhìn nhìn xâu hạt mát lạnh trong tay. Mỗi lần lựa chuỗi hạt, tôi đều lựa thêm một xâu dành cho đàn ông. Cũng không rõ vì sao và để làm gì. Từ lần lên thăm mộ ông ngoại trước ngày xuất cảnh mười ba năm về trước, tôi đã bắt đầu có thói quen này. Cái hộp đựng chuỗi hạt ở nhà đã có bốn xâu, đều là từ những lần trước.

Thì ra, tôi đã về lại đây bốn lần, đã về thăm trường bốn lần, đi qua những nơi cũ bốn lần, nhưng chúng tôi vẫn không nhìn thấy nhau. Tôi đi chùa, nhưng chỉ lạy Phật chứ không khấn xin điều gì, cho rằng thành bại là do bản thân mình, hơn nữa cuộc sống của tôi không có gì để cầu hơn, cũng không có gì xin đỡ. Vậy mà, năm đó tôi đã khấn điều đầu tiên trong đời. Tôi đã khấn, chúng ta đời này không cần gặp lại, quả thật linh nghiệm được mười ba năm rồi. Cầm chặt xâu chuỗi, tôi lại lặng lẽ khấn trong lòng mình, một lần nữa, một lần này nữa thôi, nếu đã không gặp lại, thì xin hãy cho con hoàn toàn dứt bỏ.

“Ê, bà hai! Đừng có đứng đây mơ trai nữa! Đưa đây tui tính tiền!” con nhỏ dã man lại vỗ lưng tôi một cái làm tôi thiếu điều muốn ập mặt xuống sạp hàng của người ta.

Tôi đưa chuỗi hạt cho nó, thấy nó bỏ vô hai bọc riêng thì đờ ra. Nó liếc tôi một cái khinh thường, xì mũi, “Mẹ nó, cũng không phải chỉ có một cái! Có quý giá gì cho cam mà giữ hoài! Bà nó chứ!”

Tôi với thím bán hàng và mấy chú xe ôm chung quanh dại ra năm giây. Hỏi vì sao? Vì từ ngữ con này xài quá mức… cũng không phải là khó khăn gì nó, nhưng ít ra đây đang là ở trước cổng chùa, đứa nào vừa rồi mới thành tâm khấn vái, đứa nào vừa rồi nhỏ nhẹ dịu dàng? Phật Tổ, ngài bị gạt rồi, con thiệt là đau lòng cho ngài…